Tiếp cận bệnh nhân bị “tăng men gan”

Bùi Hữu Hoàng* 

Gan là cơ quan đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng trong cơ thể, trong đó có nhiệm vụ chuyển hóa các chất. Chính vì vậy, gan có rất nhiều các loại men (enzyme) khác nhau để xúc tác các phản ứng sinh hóa trong cơ thể. “Tăng men gan” là tình trạng các men này bị phóng thích vào máu do tế bào gan bị hoại tử. Hay nói một cách khác, tăng men gan, đặc biệt là tăng các men transaminase trong máu là hiện tượng gián tiếp cho biết đang có quá trình viêm và hoại tử tế bào gan. Ngoài ra, các loại men khác như γ-glutamyl transferase (GGT) và phosphatase kiềm lại liên quan đến tình trạng bất thường về bài tiết ở gan.
Transaminase là các enzyme nội bào, thường tăng khi có tổn thương tế bào gan, bao gồm: men aspartate aminotransferase (AST) hay còn gọi là glutamic-oxaloacetic transaminase (SGOT). Men này có trong bào tương và ti thể ở nhiều loại tế bào (theo thứ tự giảm dần): gan, cơ tim, cơ xương, thận, não, tụy, phổi, bạch cầu và hồng cầu. Do vậy, sự tăng của AST không đặc hiệu cho gan vì còn có thể do bất thường ở các nơi khác. Còn men alanine aminotransferase (ALT) hay glutamic-pyruvic transaminase (SGPT) hiện diện chủ yếu ở trong bào tương tế bào gan nên sự tăng ALT đặc hiệu hơn cho tổn thương ở gan. Chức năng của các men này là xúc tác các phản ứng chuyển gốc amin (NH2) giữa các acid amin với nhau. Aminotransferase còn có thể tăng khi có tăng tính thấm màng tế bào mà không bắt buộc phải có hoại tử tế bào gan. Mức tăng aminotransferase không giúp tiên lượng mức độ tổn thương tế bào gan. Hiện nay, giá trị bình thường của men aminotransferase được đề nghị là < 30 U/L ở nam và < 19 U/L ở nữ.
Đứng trước tình trạng tăng men gan, chúng ta cần quan tâm đến mức độ tăng ít hay nhiều, tăng ưu thế thành phần AST hay ALT vì có thể giúp hướng đến một số nguyên nhân làm tăng men gan…

Download pdf