Vũ Thị Nhung*
Những nghiên cứu gần dây trên thế giới liên quan đến mổ lấy thai (MLT) đã khẳng định một lần nữa sự đúng đắn của khuyến cáo về tỉ lệ MLT của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 1985 là tốt nhất chỉ nên từ 5 – 10%. Khi tỉ lệ này vượt trên 15% thì tai biến sẽ xảy ra nhiều hơn cho mẹ và con.1 Theo thống kê của WHO: tỉ lệ MLT tăng từ 5-7% trong những năm 70 lên 25-30% vào năm 2003.1 Ở Hoa Kỳ hiện nay cứ 3 người sanh thì có 1 người phải mổ sanh. Mặc dù MLT có thể cứu được tính mạng của mẹ và thai nhi trong một số tình huống cấp cứu nhưng trong khi có sự gia tăng tỉ lệ MLT mà không có bằng cớ cho thấy có sự giảm bệnh suất và tử suất cho mẹ và trẻ sơ sinh. Trong khi đó lại có sự tăng tỉ lệ của những biến chứng liên quan đến MLT. Vì vậy, nhân viên y tế đặc biệt là bác sĩ phải hiểu rõ về những biến chứng gần và xa của MLT để phòng ngừa sự lạm dụng MLT nhất là trên sản phụ sanh con so.
Tình hình MLT trên thế giới và tại Việt Nam
Trong khoảng 3 thập kỷ gần đây, số trường hợp sanh mổ tiếp tục tăng cao trên thế giới:
– Mỹ: tỉ lệ MLT là 21% năm 1996. Năm 2011 tỉ lệ này là 32,8%.2
– Ở các nước Âu Châu: tỉ lệ MLT hiện nay là 30%.3
– Năm 2001: Ở Anh tỉ lệ MLT là 21,4% – tăng gấp 5 lần so với năm 1971.3
– Ở các nước Châu Mỹ La Tinh: khảo sát ở 8 quốc gia cho thấy tỉ lệ MLT >30% như ở Paraguay là 42%, Ecuador là 40%.3
– Trung Quốc: Năm 1966 tỉ lệ MLT là 2,4% đến 2010 tỉ lệ này là 46%.3 Một nghiên cứu ở 9 quốc gia châu Á cho thấy MLT đã đạt đến mức độ “dịch” với tình trạng MLT không cần thiết tăng cao, trong đó, Trung Quốc có 25% các trường hợp MLT không vì lý do ykhoa.
– Ở Brazil: Bệnh viện công có tỉ lệ MLT là 35% – BV tư là 70%.3
– Ở Na Uy: tỉ lệ MLT là 1,8% (1967) tăng lên 16,4% (2006).4
Việt Nam: Tại BV Phụ Sản Trung ương, MLT vào những năm 60 là 9%, đến năm 2005 con số này tăng lên gần 40%.5
Trong cuộc khảo sát thực hiện vào năm 2007 – 2008 ở 122 bệnh viện công và tư nhân, chọn ngẫu nhiên tại các nước Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nepal, Philippines, Srilanca, Thái Lan và Việt Nam thì đứng đầu tỉ lệ MLT là Trung Quốc với tỉ lệ 46%, kế đến là Việt Nam (36%), Thái Lan (34%), Ấn Độ (18%), thấp nhất là Campuchia (15%).5