Author Archives: admin

Hội thảo quốc tế “CÙNG HÀNH ĐỘNG VÌ MỤC TIÊU LOẠI TRỪ VIÊM GAN SIÊU VI B-C” 30-31.7.2016

Ngày 30 và 31 tháng 7 năm 2016, Hội Y học phối hợp với Sở Y tế và Vietnam Viral Hepatitis Alliance tổ chức hội thảo quốc tế “CÙNG HÀNH ĐỘNG VÌ MỤC TIÊU LOẠI TRỪ VIÊM GAN SIÊU VI B-C” tại Trung tâm hội nghị 272, Võ Thị Sáu, TP.HCM.

 

Chương trình hội thảo gồm:
1. Hướng tới loại trừ mối đe dọa sức khỏe cộng đồng do bệnh viêm gan siêu vi năm 2030: Các đáp ứng của WHO với viêm gan siêu vi. TS. Kato Masaya, Đại diện WHO Việt Nam.
2. Kế hoạch phòng chống viêm gan siêu vi 2015 – 2019. TS. Trần Đại Quang, Đại diện Bộ Y tế.
3. Kế hoạch phòng chống viêm gan siêu vi giai đoạn 2016 – 2020 từ góc độ Sở Y tế TP.HCM. BS. Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM.
4. Cập nhật về viêm gan siêu vi B-C và ung thư gan: Nhìn từ thế giới, Mỹ và Việt Nam. GS.BS. Robert Gish, Đại học Stanford.
5. Nhu cầu chưa được đáp ứng về điều trị HCV tại Việt Nam. Cập nhật tình hình thử nghiệm các chế phẩm điều trị HCV. ThS.BS. Nguyễn Hoàng Quân, Abbvie Vietnam.
6. Dấu ấn sinh học mới trong phát hiện sớm ung thư gan. GS.TS. Tim Block, Baruch S. Blumberg Institute.
7. Thử thách và cơ hội trong kiểm soát viêm gan siêu vi B, C và ung thư gan tại TP.HCM – Câu chuyện thực tế. TS.BS. Phạm Thị Thu Thủy, Trung tâm y khoa Medic.
8. Gánh nặng của bệnh viêm gan B, C tại Việt Nam – Góc nhìn của một chuyên gia về gan. BS. Nguyễn Hữu Chí, Hội gan mật TP.HCM.
9. Tổng quan về “phác đồ thực hành” hiện tại đối với viêm gan B, C tại TP.HCM. ThS.BS. Vũ Thị Thúy Hà, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
10. So sánh Cộng hưởng từ đàn hồi (MRE) gan và siêu âm đàn hồi USE, FS trong bệnh lý viêm gan, xơ gan. BS. Phan Thanh Hải, Trung tâm y khoa Medic.
11. Xét nghiệm kháng thể lõi của HCV: Hiện tại và tương lai. GS.BS. Robert G. Gish, San Diego.
12. Tầm soát viêm gan siêu vi B-C trong cộng đồng và liên kết người nhiễm với dịch vụ y tế – Báo cáo sơ bộ công tác triển khai chương trình thí điểm. PGS.TS.BS. Tăng Kim Hồng, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
13. Các ca lâm sàng. BS. Albert Do, BS. Doan Dao, V-VHA, TS.BS. Võ Duy Thông, Đại học Y Dược TP.HCM.
14. Loại trừ viêm gan siêu vi trong thập niên tới: Thách thức và cơ hội. GS.BS. William Lee, Đại học Texas.
15. Những đột phá trong khoa học cơ bản về viêm gan siêu vi B: Một bước tiến tới gần hơn với “chữa khỏi” viêm gan siêu vi B. BS. Đào Y Doãn, V-VHA.
16. Điều trị thực nghiệm viêm gan siêu vi B. GS.TS. Tim Block, Baruch S. Blumberg Institute.
17. Bài học từ các chương trình tiếp cận cộng đồng nhằm loại trừ viêm gan siêu vi B tại Mỹ và Trung Quốc. ĐD. Joan M. Block, Hepatis B Foundation.
18. Tính vững bền của “doanh nghiệp” trong các chương trình y tế cộng đồng phi lợi nhuận. TS. Amy Trang, V-VHA.
19. Quản lý dữ liệu và hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu trong bối cảnh y tế Việt Nam – giữa y học lâm sàng và sức khỏe cộng đồng. BS. Phan Xuân Trung, Medicons.
20. Ứng dụng cộng nghệ thông tin trong các chương trình tiếp cận cộng đồng. TS. Lê Ngọc Anh, Đại học Sài Gòn.
21. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh nhân mạn tính – Mô hình của Zinmed. TS. Chữ Đức Hoàng, Zinmed.
22. Hế thống giám sát bệnh dịch điện tử – Nhu cầu chưa được đáp ứng. ThS.BS. Phạm Ngọc Đoan Trang, V-VHA.
23. Chuyển tải thông tin y tế giữa các đơn vị. BS. Phan Xuân Trung, Medicons.

Trong hội thảo cũng diễn ra lễ ký kết bản ghi nhớ “Cùng hành động vì mục tiêu loại trừ viêm gan siêu vi B – C”.

Văn phòng Hội
10.8.2016

Biến chứng thận của bệnh đái tháo đường

PGS, TS Nguyễn Thy Khuê
Biến chứng thận của bệnh ĐTĐ gồm biến chứng ở cầu thận (còn gọi là sơ hóa cầu thận do
ĐTĐ hoặc vắn tắt là bệnh thận ĐTĐ), bệnh lý xơ vữa mạch máu ở thận, bệnh lý nhiễm trùng ở
thận và đường niệu.
BỆNH THẬN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
Bệnh thận ĐTĐ thuộc nhóm biến chứng mạch máu nhỏ, tổn thương chính nằm ở cầu thận
(Cầu thận là nơi mà máu được lọc qua để tạo thành nước tiểu; các chất được lọc qua cầu thận
gồm nước, các chất diện giải như natri, kali, các chất thải trong quá trình chuyển hóa như urê,
acid uric… một số thuốc… Chất đạm hoặc các chất có trọng khối phân tử lớn sẽ được giữ lại
trong máu, bình thường không có đạm trong nước tiểu).
Bệnh thận ĐTĐ có các đặc điểm:
– Tiểu albumin liên tục (>300mg/ngày) xác định ít nhất 2 lần trong vòng 3-6 tháng
– Chức năng lọc của thận giảm dần
– Tăng huyết áp, có thể xuất hiện ở giai đoạn đầu (bệnh ĐTĐ type 2) hoặc trễ
Tầm quan trọng của bệnh thận đái tháo đường
Sự xuất hiện bệnh thận ĐTĐ thay đổi tùy sắc tộc, quốc gia, tính chung vào khoảng 40% các
bệnh nhân ĐTĐ. Đây là nguyên nhân hàng đầu của suy thận giai đoạn cuối, lọc thận và ghép
thận ở các nước phát triển. Tại Việt Nam, bệnh thận ĐTĐ cũng là nguyên nhân chính của suy
thận giai đoạn cuối và lọc thận.
Bệnh thận ĐTĐ thường hiện diện cùng với bệnh võng mạc ĐTĐ, bệnh thần kinh ĐTĐ. Đây
cũng là nguyên nhân làm gia tăng các biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim, cơn đau thắt ngực.

Khi nào bệnh nhân đái tháo đường có thể bị biến chứng thận?
Những bệnh nhân đái tháo đường có thêm các tình trạng sau đây dễ bị bệnh thận đái tháo
đường, người ta gọi đó là yếu tố nguy cơ của bệnh thận đái tháo đường:
o Glucose huyết không ổn định, HbA1c cao
o Tăng huyết áp
o Có rối loạn mỡ máu; tăng cholesterol máu
o Tuổi cao
o Ăn nhiều đạm
2
o Phái nam
o Trong gia đình có người bị tăng huyết áp
Bệnh thận ĐTĐ xảy ra như thế nào?
Ở bệnh nhân ĐTĐ típ 1 nếu không điều trị tốt, lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến thận. Bệnh có thể
diễn tiến qua 5 giai đoạn.
Giai đoạn 1: đường huyết tăng cao, lượng máu đến thận tăng. Thận tăng kích thước.
Giai đoạn 2: chưa có triệu chứng rõ trên lâm sàng. Bắt đầu có những thay đổi mô học ở
cầu thận.
Giai đoạn 3: tiểu albumin (dân gian thường gọi albumin là lòng trắng trứng). Đây là dấu
chỉ điểm bệnh thận diễn tiến nặng hơn. Nếu không điều trị, khoảng 20-40% sẽ tiến đến
bệnh thận rõ trên lâm sàng
Giai đoạn 4: bệnh thận rõ trên lâm sàng. Bệnh nhân sẽ tiểu đạm. Albumin trong nước tiểu
24 giờ lớn hơn 300mg. Chức năng lọc của thận bắt đầu suy giảm. Huyết áp bệnh nhân bắt
đầu tăng.
Giai đoạn 5: bệnh thận giai đoạn cuối. Nếu không điều trị khoảng 20% sẽ bị bệnh thận
giai đoạn cuối, cần phải lọc thận hoặc thay thận để duy trì cuộc sống.
Ở bệnh nhân ĐTĐ type 1, albumin trong nước tiểu là biểu hiện đầu tiên của tổn thương thận
trong lâm sàng. Ở bệnh nhân ĐTĐ type 2, ngay lúc mới chẩn đoán có thể bệnh nhân đã có tăng
huyết áp, tiểu albumin. Ngoài ra, khoảng 20% bệnh nhân ĐTĐ type 2 diễn tiến đến đến bệnh thận
mạn nhưng không có albumin trong nước tiểu.
Albumin trong nước tiểu có liên quan với tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, đột quị.

Làm thế nào để biết bị bệnh thận đái tháo đường?
Để tầm soát bệnh thận ĐTĐ, các bác sĩ sẽ cho tìm albumin trong nước tiểu. Tìm albumin
trong nước tiểu sẽ giúp can thiệp sớm để phòng ngừa bệnh thận nặng thêm.
Ở bệnh nhân
ĐTĐ típ 1 cần thử albumin nước tiểu khoảng 3-5 năm sau khi chẩn đoán bệnh. Ở bệnh nhân ĐTĐ
típ 2, cần tìm albumin ngay lúc mới chẩn đoán.
Các triệu chứng lâm sàng như phù, thiếu máu, chán ăn, mệt mỏi, thường chỉ xuất hiện ở giai
đoạn trễ.

Lấy nước tiểu như thế nào để tìm albumin, kết quả như thế nào là có bệnh?
Có 3 cách lấy nước tiểu (NT) để tìm albumin vi lượng:
Lấy một mẫu nước tiểu bất kỳ và đo tỉ số albumin/creatinin trong nước tiểu, cách này
thường được các bác sĩ chỉ định
Lấy nước tiểu 24 giờ để đo tất cả lượng đạm trong đó. Đồng thời tính toàn bộ thể tích
nước tiểu. Cách này ít được thực hiện vì khó lấy đầy đủ nước tiểu trong 24 giờ.
Lấy nước tiểu trong một khoảng thời gian (4 giờ hoặc qua đêm) và đo albumin, cách này
cũng không thuận tiện.
Kết quả: Các mức độ albumin trong nước tiểu

Các mức độ
tiểu đạm
Lấy nước tiểu buổi sáng Lấy nước tiểu trong
một khỏang thời gian
Tỉ số albumin/creatinin trong nước
tiểu
Qua đêm 24 giờ
mg/g μg/phút mg/24 giờ
Bình thường <30 <20 <30
Tiểu albumin 30-300
Nếu tính bằng mg/mmol
>2,5-25mg/mmol (nam)
>3,5-35 mg/mmol (nữ)
20-200 30-300
Tiểu đạm >300 >200 >300

Khi kết quả bất thường làm lại sau 3-6 tháng để xác định lại, nếu kết quả vẫn bất thường, sẽ
chẩn đoán có albumin trong nước tiểu.
Nếu không làm được các xét nghiệm trên có thể dùng giấy nhúng nước tiểu để tìm albumin.
Sau đó nếu kết quả dương tính, vẫn phải dùng một trong các phương pháp trên để chẩn đoán.
Khi bị bệnh thận đái tháo đường, cần phải làm gì?
Kiểm soát đường huyết thật tốt, HbA1c <7%.
Kiểm soát huyết áp thật tốt. HA < 130/80 mmHg. Thuốc được lựa chọn hàng đầu là thuốc
ức chế enzym chuyển hoặc thuốc chẹn kênh calci.
Ăn khẩu phần giảm đạm (0,8 gam đạm/kg cân nặng lý tưởng/ngày).
Nếu dùng thuốc điều trị các bệnh đi kèm, cần hỏi ý kiến của bác sĩ vì một số thuốc có thể
làm bệnh thận nặng thêm (thí dụ kháng sinh, thuốc điều trị đau khớp..)
Bệnh thận ĐTĐ phải được điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa.
Khi nào cần hỏi ý kiến chuyên khoa thận?
Bác sĩ chuyên khoa nội tiết sẽ tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ chuyên khoa thận khi
4
o Độ lọc cầu thận giảm dần (tăng lượng creatinin trong máu, độ lọc cầu thận
<60ml/phút).
o Chức năng thận giảm nhanh, có hồng cầu trong nước tiểu
o Khó kiểm soát huyết áp hoặc có tăng kali máu
o Bệnh nhân có thêm một bệnh khác làm tổn thương thận nhiều hơn.

Hình ảnh cầu thận

CÁC TỔN THƯƠNG KHÁC Ở THẬN CÓ THỂ GẶP Ở BỆNH NHÂN ĐTĐ
Các tổn thương này không phải là riêng có của bệnh ĐTĐ, tuy nhiên khi xảy ra ở bệnh nhân
ĐTĐ, bệnh cảnh có thể nặng hơn và diễn tiến kéo dài nếu glucose huyết không ổn định.
1) Bệnh nhân ĐTĐ khi chụp hình bằng thuốc cản quang dễ bị tổn thương ở thận. Cần bảo đảm bù
đủ nước cho bệnh nhân, ngưng các thuốc như metformin…cho đến khi chụp xong
2) Bệnh nhân ĐTĐ cũng hay bị nhiễm trùng đường tiểu nhất là phụ nữ và người bị tổn đọng nước
tiểu ở bàng quang.
3) Xơ vữa động mạch nặng ở động mạch thận và tình trạng thiếu nước kèm theo có thể đưa đến
tắc mạch máu nuôi thận (nhồi máu thận).
4) Hoại tử gai thận hoặc nhú thận: xảy ra ở bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiểu trên (viêm đài
bể thận) kèm thêm các yếu tố thuận lợi như xơ vữa động mạch, thiếu nước trầm trọng. Bệnh nhân bị sốt cao, tiểu máu, có thể bị suy thận cấp.

Bệnh thần kinh đái tháo đường

PGS, TS Nguyễn Thy Khuê
Bệnh thần kinh đái tháo đường là tổn thương dây thần kinh xảy ra do glucose huyết tăng cao trong máu. Glucose huyết tăng cao có thể làm tổn thương các dây thần kinh trên toàn cơ thể, tuy nhiên, ảnh hưởng thường rõ rệt nhất ở các dây thần kinh chi trên và chi dưới.


Bệnh thần kinh đái tháo đường thường được chia thành hai nhóm chính: bệnh lý thần kinh ngoại biên (ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở ngoại biên cơ thể như thần kinh ở tay, chân, thần kinh sọ não) và bệnh lý thần kinh tự chủ (là thần kinh điều khiển hoạt động của các cơ quan như dạ dày, ruột, tim mạch, hệ tiết niệu).
Nguyên nhân nào đưa đến bệnh thần kinh ĐTĐ?
Tổn thương dây thần kinh và mạch máu là yếu tố chính đưa đến bệnh thần kinh ĐTĐ.
Glucose huyết tăng cao làm tổn thương bao thần kinh, giảm vận tốc dẫn truyền thần kinh. Cơ chế chính xác của tổn thương không được biết rõ. Ngoài ra các mạch máu nhỏ nuôi thần kinh bị tổn thương làm sự cung cấp oxygen và các chất dinh dưỡng cho dây thần kinh bị suy giảm.
Nhiều yếu tố khác cũng góp phần làm tổn thương dây thần kinh ở bệnh nhân đái tháo đường:
– Tình trạng viêm ở thần kinh do phản ứng tự miễn: xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tưởng lầm dây thần kinh là vật lạ với cơ thể nên tấn công dây thần kinh. (chú thích: hệ miễn dịch là hệ thống có nhiệm vụ chống lại sự xâm nhập của vật lạ vào cơ thể thí dụ các vi khuẩn, các hóa chất gây độc…)
– Yếu tố di truyền. – Hút thuốc lá, nghiện rượu: gây tổn thương thần kinh, mạch máu, đồng thời cũng tăng nguy cơ nhiễm trùng. Thuốc lá gây hẹp và cứng mạch máu, giảm lượng máu đến các chi, làm vết thương lâu lành và cũng góp phần vào tổn thương thần kinh.
– Thời gian bị bệnh đái tháo đường: bị bệnh càng lâu (nhất là khi glucose huyết không được ổn định tốt) càng tăng nguy cơ bị bệnh thần kinh. Bệnh thần kinh  ngoại vi thường gặp nhất ở các bệnh nhân đái tháo đường đã bị bệnh từ 25 năm trở lên.
– Bệnh thận mạn: khi bệnh nhân đái tháo đường bị bệnh thận mạn, các độc chất tăng trong máu có thể làm tổn thương thêm dây thần kinh.
Bệnh thần kinh ĐTĐ có thể biểu hiện như thế nào?
Triệu chứng của bệnh thần kinh đái tháo đường rất đa dạng, thay đổi tùy theo cơ quan bị tổn thương. Bệnh thường có 4 biểu hiện chính, bệnh nhân có thể chỉ có 1 loại triệu chứng hay nhiều loại triệu chứng. Thường triệu chứng rất mờ nhạt, do đó bệnh nhân có thể không quan tâm cho đến khi tổn thương nặng xuất hiện.


1-Bệnh thần kinh ngoại vi:
Đây là biểu hiện thường gặp nhất, chi dưới và bàn chân có triệu chứng đầu tiên, sau đó đến triệu chứng ở chi trên và bàn tay. Triệu chứng thường đối xứng cả 2 bên chi.
Bệnh nhân thường có cảm giác:
· Tê, giảm nhận biết cảm giác đau, nóng lạnh, đặc biệt ở bàn chân.
· Cảm giác châm chích, bỏng rát.
· Cảm giác đau buốt, thường tăng về đêm.
· Đau khi bước đi.
Đôi khi bệnh nhân có triệu chứng tăng cảm: dù chạm nhẹ bệnh nhân cũng cảm thấy đau rất nhiều.
Yếu cơ và đi lại khó khăn. Triệu chứng nặng: loét chân, nhiễm trùng, biến dạng bàn chân, đau ở xương khớp.
2-Bệnh thần kinh tự chủ
Thay đổi tùy cơ quan bị tổn thương:
Ở mắt: đồng tử mất phản xạ với ánh sáng, bóng tối
Ở hệ tiêu hóa: Dạ dày co thắt chậm lại nên bệnh nhân hay cảm thấy đầy bụng sau khi ăn. Buồn nôn, nôn mửa, mất cảm giác ngon miệng. Táo bón, hoặc tiêu chảy, nhất là tiêu chảy về đêm, hoặc táo bón xen lẫn với tiêu chảy.
Hệ tim mạch: Nhịp tim nhanh khi nghỉ, hạ áp tư thế (khi thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi hoặc đứng, người bệnh cảm thấy chóng mặt, chóang váng, đôi khi ngất xỉu do huyết áp hạ thấp).
Do tổn thương thần kinh tự chủ, bệnh nhân mất cảm giác báo động khi bị hạ glucose huyết như cảm thấy đói, đổ mồ hôi, lo sợ, tim đập nhanh… do đó không kịp điều trị (thí dụ đi kiếm thức ăn, uống đường) và có thể đi thẳng vào hôn mê.
Hệ niệu, sinh dục: ứ đọng nước tiểu trong bàng quang (còn gọi là bàng quang thần kinh) lâu ngày dẫn đến nhiễm trùng đường tiểu. Bệnh nhân cũng có thể đi tiểu nhiều lần, khó nhịn tiểu. Rối loạn cương ở nam giới.
· Cảm giác nghẹn, nuốt khó.
· Khô âm đạo.
· Tăng hoặc giảm tiết mồ hôi.
· Rối loạn điều chỉnh thân nhiệt
3-Bệnh đơn thần kinh (còn gọi là bệnh thần kinh cục bộ)
Bệnh chỉ ảnh hưởng đến 1 dây thần kinh, có thể là thần kinh sọ não hoặc thần kinh ở thân mình, chi dưới. Triệu chứng thường xảy ra đột ngột, ở người lớn tuổi. Người bệnh có thể cảm thấy đau nhiều ở vùng tổn thương nhưng triệu chứng thường tự hết sau vài tuần hoặc vài tháng. Các triệu chứng thường gặp:
· Nhìn đôi, đau sau hốc mắt
· Liệt dây thần kinh mặt một bên, liệt thần kinh vận nhãn gây mắt lác (lé mắt)
· Đau ở cẳng chân, bàn chân. Đau mặt trước đùi.
· Đau vùng ngực, đau bụng.
Đôi khi có triệu chứng chèn ép gây hội chứng ống cổ tay: Cảm giác tê, châm chích ở ngón tay (ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa, ngón đeo nhẫn bàn tay). Cảm giác yếu khi cầm đồ vật và có thể đánh rơi đồ vật.
4-Bệnh đám rối-rễ thần kinh (teo cơ do đái tháo đường, bệnh thần kinh đùi, bệnh thần kinh cận thân )
Tổn thương các thần kinh ở đùi, hông, mông, cẳng chân. Thường gặp người lớn tuổi bị đái tháo đường type 2. Triệu chứng thường xảy ra ở 1 bên, đôi khi ở 2 bên. Thường triệu chứng sẽ giảm sau một thời gian tiến triển. Các triệu chứng có thể gặp là:
· Đau nhiều xuất hiện thình lình ở đùi, bụng.
· Cơ đùi yếu và teo.
· Khó khăn khi thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng.
· Trướng bụng
· Giảm cân
Làm thế nào để phát hiện biến chứng thần kinh?
Bệnh thần kinh ĐTĐ được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng cơ năng thí dụ tê, nhức, chóng mặt khi thay đổi tư thế từ nằm sang đứng…

Các bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử và khám bệnh nhân để phát hiện các bất thường.

Ở giai đoạn sớm, bệnh thần kinh ĐTĐ có thể không có triệu chứng.
Kiểm tra sức mạnh của cơ bắp, sức căng của cơ, phản xạ gân cơ, cảm nhận của bệnh nhân với cảm giác xúc giác, nóng lạnh, độ rung của âm thoa.
Bàn chân bệnh nhân cũng cần được kiểm tra mỗi năm một lần.
Một phương pháp đơn giản để phát hiện biến chứng thần kinh là bác sĩ sẽ dùng một sợi cước ngắn chạm vào 1 số điểm ở bàn chân của bệnh nhân, nếu bệnh nhân không nhận biết cảm giác va chạm từ sợi cước, bệnh nhân đã bắt đầu có tổn thương thần kinh.
Ngoài ra cũng cần tìm các biến dạng xương và khớp ở bàn chân, các vết chai, bóng nước, các vết nứt ở da.
Khi nghi ngờ có biến chứng thần kinh tự chủ, bác sĩ sẽ tìm sự thay đổi huyết áp khi bệnh nhân thay đổi tư thế, sự tiết mồ hôi của da.
Một số nghiệm pháp phức tạp hơn, chỉ thực hiện tại các cơ sở chuyên khoa:

– Đo vận tốc dẫn truyền thần kinh
– Đo điện cơ
– Định lượng cảm giác: khảo sát đáp ứng của sợi thần kinh với độ rung và sự thay đổi
về nhiệt độ.
Điều trị và thuốc
Không có thuốc điều trị khỏi bệnh thần kinh đái tháo đường. Điều trị chủ yếu tập
trung vào các vấn đề sau đây:
– Làm chậm diễn tiến bệnh
– Giảm đau
– Điều trị các biến chứng và phục hồi chức năng
1- Làm chậm diễn tiến bệnh
Kiểm soát glucose huyết tích cực có thể làm giảm nguy cơ diễn tiến của bệnh thần kinh ĐTĐ được khoảng 60%. Mục tiêu glucose huyết cần đạt
– Glucose huyết khi đói hoặc trước ăn: 70 – 130 mg/dL (3.9 – 7.2 mmol/L)
– Glucose huyế 2 giờ sau ăn: nhỏ hơn 180 mg/dL (10 mmol/L)
– HbA1c nhỏ hơn 7% ( HbA1c cho biết tình trạng kiểm soát glucose huyết trong vòng
8-12 tuần lễ trước khi đo, trị số ở người bình thường vào khoảng 4-6%) Các biện pháp sau đây cũng giúp giảm tổn thương thần kinh:
– Chăm sóc bàn chân kỹ để tránh các vết loét, không làm nặng thêm các biến dạng bàn chân đã có.

– Kiểm soát huyết áp
– Ăn uống điều độ, theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ
– Luyện tập thể lực phù hợp với sức khỏe
– Duy trì cân nặng thích hợp
– Ngưng hút thuốc
– Không uống rượu

     
2- Giảm đau
Một số thuốc giúp giảm đau nhưng không phải luôn luôn có tác dụng trên tất cả các bệnh nhân, ngoài ra các thuốc cũng có tác dụng phu. Các thuốc thường được xử dụng gồm có:
– Thuốc chống động kinh: gabapentin (Neurontin), pregabalin (Lyrica) và carbamazepine (Tegretol) dùng để chữa động kinh nhưng có tác dụng giảm đau do thần kinh ở một số bệnh nhân ĐTĐ. Tác dụng phụ là buồn ngủ, chóng mặt, xưng phù. Carbamazepine có thể gây dị ứng da kiểu hội chứng Stevens Johnson.
– Thuốc chống trầm cảm. Thuốc chông trầm cảm 3 vòng như amitriptyline, nortriptyline (Pamelor), desipramine (Norpramin) và imipramine (Tofranil), có thể giảm triệu chứng đau nhẹ và vừa. Tác dụng phụ của nhóm này gồm khô miệng, đổ mồ hôi, buồn ngủ, chóng mặt. Nhóm thuốc ngăn tái thu nhập serotonin và norepinephrine thí dụ duloxetine (Cymbalta) hiệu quả và ít tác dụng phụ hơn. Tác dụng phụ của duloxetine gồm buồn nôn, buồn ngủ, chóng mặt, ăn mất ngon, táo bón.
– Miếng dán có tẩm Lidocaine: dùng dán tại chỗ nào đau nặng nhất, thuốc có thể gây đỏ da.
– Thuốc giảm đau giống thuốc phiện: tramadol hoặc oxycodone không thể dùng lâu dài vì có thể gây nghiện ngoài các tác dụng phụ khác như buồn ngủ, nhức đầu, táo bón. Gần đây cơ quan quản lý thuốc và dược phẩm Mỹ cảnh báo tramadol có thể làm tăng nguy cơ động kinh và khuynh hướng tự sát ở người rối loạn cảm xúc.
Điều trị tạm thời
Một số phương pháp giúp giảm đau do nguyên nhân thần kinh:
– Capsaicin: kem thoa được chế từ ớt, khi thoa trên da có thể giảm đau ở một số người, tác dụng phụ có thể gặp là cảm giác bỏng rát và da bị kích thích.
– Alpha-lipoic acid. Chế phẩm có tính chống oxyd hóa được điều chế từ thực phẩm, có thể giảm đau hiệu quả ở bệnh thần kinh ĐTĐ, nhưng cần dùng sớm và lâu dài.
– Kích hoạt thần kinh bằng điện xuyên da: ngăn cản tín hiệu đau truyền từ da lên não. Tuy an toàn nhưng phương pháp này không có hiệu quả trên tất cả mọi người và tất cả các kiểu đau.
– Châm cứu: châm cứu giúp giảm đau, đôi khi cần vài buổi mới phát huy tác dụng.
Nếu thực hiện bởi chuyên gia có kinh nghiệm, châm cứu không có tác dụng phụ.
3- Điều trị các biến chứng và phục hồi chức năng
Các biến chứng của bệnh lý thần kinh ĐTĐ thường gây khó chịu, làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và cần được theo dõi điều trị ở các cơ sở chuyên khoa.
– Bàng quang thần kinh gây ứ đọng nước tiểu, tiểu không hết, nhiễm trùng tiểu.
– Rối loạn nhu động dạ dày
– Hạ áp tư thế
– Loét chân do ĐTĐ
– Rối loạn cương
Phòng ngừa bệnh thần kinh ĐTĐ
Phòng ngừa bệnh thần kinh ĐTĐ cũng chính là các phương pháp cần áp dụng để làm chậm diễn tiến bệnh đã trình bày ở trên, quan trọng nhất là kiểm soát tích cực glucose huyết, ăn uống điều độ và luyện tập thể lực đều đặn, ngưng hút thuốc.
Một phần quan trọng trong bệnh thần kinh ĐTĐ là chăm sóc bàn chân đúng cách. Các tổn thương thần kinh làm teo các cơ nhỏ ở bàn chân, bàn chân sẽ bị biến dạng, do đó áp lực tì đè sẽ thay đổi ở bàn chân tạo nên các vùng kém dinh dưỡng, các vết chai. Da khô do thiếu mồ hôi làm da dễ bị nứt. Khi bệnh nhân đi giày chật, hoặc đi chân đất (chân trần), dễ xuất hiện các vết thương ở bàn chân. Vi trùng sẽ xâm nhập qua các vết nứt da, gây nhiễm trùng vết thương. Các mô bị thiếu nuôi dưỡng do biến chứng mạch máu làm tắc mạch cũng góp phần làm chậm lành vết thương.


Các phương pháp sau đây giúp làm giảm nguy cơ loét chân ở bệnh nhân ĐTĐ:
– Bệnh nhân nên tự kiểm tra bàn chân mỗi ngày để phát hiện các vết thương nếu có, nếu không nhìn được lòng bàn chân có thể dùng tấm gương để soi lòng bàn chân.
– Khi phát hiện bàn chân có vết thương phải đến ngay bác sĩ chuyên khoa để được chỉ dẫn.
– Luôn giữ chân sạch sẽ, khô ráo. Mỗi tối trước khi đi ngủ nên rửa chân sạch và lau khô kể cả kẽ giữa các ngón chân.
– Không bôi thuốc mỡ vào giữa các ngón chân (kẽ chân)
– Khi cắt móng chân, không cắt sâu vào khóe móng, chỉ nên dùng dũa để dũa móng chân, móng tay.
– Không bao giờ đi chân đất (chân trần), không tự ý cắt vết chai, nếu tê nhức, cần đến ngay bác sĩ, không nên ngâm chân vào nước nóng hay hơ chân trên lửa.
– Khi mua giày dép, nên mua vào buổi chiều, và chọn giày vừa chân. Trước khi đi giày nên kiểm tra xem có vật lạ bên trong hay không (thí dụ đinh, kim..). Nếu bàn chân biến dạng, nên hỏi ý kiến bác sĩ để chọn giày dép thích hợp.
Tóm lại biến chứng thần kinh ĐTĐ tuy ít khi gây tử vong nhưng có thể ảnh hưởng nặng nề lên chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Tốt nhất không nên để xuất hiện biến chứng thần kinh bằng cách điều trị bệnh ĐTĐ tích cực ngay từ lúc mới chẩn đoán. Nếu đã có biến chứng, điều quan trọng vẫn là điều trị tích cực bệnh ĐTĐ. Do các triệu chứng tê nhức rất khó chịu nhưng bệnh nhân không thể mô tả cảm giác của họ nên bệnh nhân rất cần sự chăm sóc và hỗ trợ của gia đình.

BIẾN CHỨNG ĐÁY MẮT CỦA BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

PGS, TS Nguyễn Thy Khuê
Biến chứng đáy mắt của bệnh ĐTĐ cò gọi là bệnh võng mạc ĐTĐ, gây tổn thương các mạch máu nhỏ ở võng mạc. Võng mạc (còn gọi là đáy mắt) là vùng nhạy cảm với ánh sáng của nhãn cầu, nơi có các tế bào thần kinh nhận hình ảnh để đưa lên não xử lý.
Bệnh võng mạc ĐTĐ là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực hoặc mù lòa ở các nước phát triển. Tại Việt nam hiện nay bệnh võng mạc ĐTĐ cũng là nguyên nhân gây giảm thị lực hay gặp ở các phòng khám chuyên khoa mắt.
Những thay đổi ở võng mạc của bệnh ĐTĐ
Các tổn thương thường có ở cả 2 mắt.
Các tổn thương có thể chia làm 2 nhóm chính:
1- Tổn thương giai đoạn sớm còn gọi là tổn thương nền hoặc giai đoạn không tăng sinh: tên gọi này do chưa có sự xuất hiện của các mạch máu mới được tạo ra. Ở giai đoạn này thành mạch máu bị yếu, tạo ra các túi phình (còn gọi là mạch lựu trên thành mạch máu), các chất trong máu thấm qua thành mạch gây ra các đốm xuất tiết, máu cũng có thể thấm qua thành mạch gây ra các đốm xuất huyết.
Khi bệnh tiến triển nặng hơn nữa các mạch máu nhỏ bị tắc nghẽn, gây thiếu máu từng vùng ở võng mạc. Các mạch máu lớn hơn phình to và đường kính không đều (có chỗ phình to, có chỗ thu nhỏ). Các sợi thần kinh ở võng mạc cũng bị phù nề, vùng trung tâm của võng mạc (hoàng điểm) có khi cũng bị phù nề gây ra phù hoàng điểm.
2- Tổn thương giai đoạn nặng còn gọi là tổn thương tăng sinh Đây là giai đoạn nặng nhất của bệnh.

Do võng mạc bị thiếu máu và ảnh hưởng của tăng glucose huyết, các mạch máu mới được tạo ra (tăng sinh mạch máu). Các mạch máu mới tạo thường phát triển không đúng vị trí, thành mạch cũng rất yếu. Chúng có thể phát triển và chảy máu vào thể kính (thể kính là dịch nằm trong lòng nhãn cầu), các mô sẹo do tăng sinh mạch máu gây ra có thể làm bong võng mạc.
Nếu các mạch máu mới tạo này phát triển vào đường dẫn lưu của dịch đi ra khỏi nhãn cầu, áp lực có thể tăng lên trong nhãn cầu gây ra tăng nhãn áp (còn gọi là cườm nước)

Giai đoạn tăng sinh, xơ hóa, co kéo bong võng mạc.
Triệu chứng
Ở giai đoạn đầu bệnh nhân có thể không cảm thấy gì bất thường. Khi bệnh tiến triển hơn có thể gặp:
– Cảm giác có đốm đen (ruồi bay), hoặc các sợi màu đen ở trước mắt
– Nhìn mờ
– Hình ảnh dao động
– Thấy những vùng đen hoặc vùng trống trong cảnh vật
– Mù
– Mất cảm nhận màu sắc
Nguyên nhân của bệnh võng mạc ĐTĐ
Nguyên nhân chính là tăng glucose huyết. Tăng glucose huyết làm tổn thương mạch máu, có thể gây tắc mạch
Các yếu tố nguy cơ khác của tổn thương võng mạc:
· Thời gian bị bệnh ĐTĐ, bệnh càng lâu, càng có nguy cơ bị biến chứng ở đáy mắt.
· Glucose huyết không ổn định.
· Tăng huyết áp
· Tăng cholesterol máu
· Có thai
· Hút thuốc lá
Khi nào bệnh võng mạc ĐTĐ có thể gây mù hoặc giảm thị lực?
– Phù hoàng điểm
– Xuất huyết trong thể kính: nếu xuất huyết ít, bệnh nhân có thể thấy đốm đen trước mắt, nếu xuất huyết nhiều có thể gây mù cấp tính. Tuy nhiên, máu có thể sẽ tan sau vài tuần hoặc vài tháng, bệnh nhân có thể nhìn lại được
– Bong võng mạc, bong hoàn toàn sẽ gây mù vĩnh viễn
– Tăng nhãn áp: có thể gây mù nếu không điều trị kịp thời.
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh võng mạc ĐTĐ:
Phát hiện sớm các tổn thương ở đáy mắt sẽ giúp xử trí kịp thời và ngăn ngừa tiến triển của biến chứng.
Ở giai đoạn sớm, bệnh võng mạc ĐTĐ không có triệu chứng do đó các bác sĩ sẽ tầm soát biến chứng này bằng cách:
Chỉ định khám đáy mắt mỗi năm ở bệnh nhân ĐTĐ type 2 ngay lúc mới chẩn đoán và sau đó mỗi năm bởi bác sĩ chuyên khoa mắt.
Đối với bệnh nhân ĐTĐ type 1, chỉ định khám đáy mắt 5 năm sau khi chẩn đoán.
Nếu glucose huyết ổn định tốt, huyết áp không cao, không có bất thường mỡ máu, bác sĩ có thể quyết định khám lại đáy mắt sau 2-3 năm.
Nếu bệnh nhân ĐTĐ có thai, cần khám đáy mắt thường xuyên vì thai kỳ dễ làm tổn thương mạch máu ở đáy mắt.
Điều trị tốt nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ:
Ổn định glucose huyết tốt, HbA 1c <7%, luyện tập ít nhất 150 phút mỗi tuần, ăn uống điều độ, theo đúng chỉ dẫn, uống thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Điều trị tốt huyết áp, giảm muối trong khẩu phần.
Điều trị tốt rối loạn chuyển hóa lipid.
Ngưng hút thuốc.


Khám đáy mắt
Khám đáy mắt được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa mắt theo yêu cầu của bác sĩ chuyên khoa ĐTĐ. Để nhìn rõ đáy mắt, bác sĩ sẽ nhỏ 1 loại thuốc để làm dãn đồng tử (con ngươi), bệnh nhân sẽ nhìn mờ một thời gian do đó khi đi khám đáy mắt nên có người đi cùng và không nên tự lái xe.
Đôi khi bác sĩ chuyên khoa sẽ yêu cầu chụp mạch máu đáy mắt bằng thuốc phát huỳnh quang, sau đó nước tiểu bệnh nhân sẽ có màu vàng trong một thời gian ngắn.
Các phương pháp điều trị ở giai đoạn trễ
Các phương pháp này phải được điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa mắt.
Nếu bệnh nhân bị phù hoàng điểm, điều trị bằng tia laser (còn gọi là quang đông) có thể hồi phục phần nào thị lực. Thông thường bệnh nhân có thể nhìn mờ 1 ngày sau khi điều trị quang đông nhưng sau đó sẽ nhìn rõ hơn, dù có thể không hoàn toàn hồi phục như lúc chưa có biến chứng. Tia laser cũng được dùng để đốt các mạch máu mọc không đúng chỗ, để giảm nguy cơ xuất huyết trong thể kính, tăng nhãn áp và bong võng mạc. Thường sau khi dùng quang đông, sẽ có những vùng sẹo rải rác ở võng mạc. Một ngày sau khi điều trị bệnh nhân có thể nhìn mờ, sau đó sẽ bớt nhưng thị trường mắt sẽ bị giảm ở vùng ngoại biên hoặc mắt sẽ nhìn kém hơn trong bóng tối.
Đục thể kính: khi có xuất huyết trong thể kính, các bác sĩ chuyên khoa sẽ đục một lỗ nhỏ ở mắt để lấy các sợi máu và thậm chí cả các mô sẹo mọc trồi vào thể kính, sau đó sẽ bơm ngược trở lại một ít dịch muối để duy trì hình dạng của nhãn cầu. Sau đó vẫn có thể cần điều trị tiếp bằng laser.
Tóm lại, bệnh võng mạc ĐTĐ có thể đưa đến những hậu quả rất nghiêm trọng. Kiểm soát tốt glucose huyết và huyết áp là những phương pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa biến chứng này.

Hình chụp đáy mắt bình thường


Hình chụp đáy mắt với tổn thương nền (giai đoạn không tăng
sinh):

Sẹo ở đáy mắt (võng mạc) sau khi điều trị

Biến chứng mạch máu lớn của bệnh đái tháo đường

PGS, TS Nguyễn Thy Khuê
Biến chứng mạch máu lớn của bệnh ĐTĐ chính là tình trạng xơ vữa động mạch kèm với các hậu quả của nó.
Xơ vữa động mạch được cho là kết hợp tình trạng viêm và tổn thương ở lớp nội mạc mạch máu, các tiểu phân mỡ xấu LDL bị oxid hóa sẽ thấm nhập vào thành mạch máu, kích hoạt sự thâm nhập tế bào viêm và tăng sinh lớp cơ trơn ở thành mạch, tích tụ collagen, tạo nên mảng xơ vữa giàu lipid với phần trên là các sợi fibrin. Mối liên quan giữa bệnh ĐTĐ và xơ vữa động mạch chưa được hoàn toàn hiểu rõ. ĐTĐ làm gia tăng tính kết dính ở thành mạch máu, các tiểu cầu dễ tích tụ lại ở vùng mạch máu đã bị tổn thương, các sợi fibrin cũng tồn tại lâu hơn ở bệnh ĐTĐ, do đó người ĐTĐ có nguy cơ bị xơ vữa động mạch nhiều hơn người không bị ĐTĐ, và bệnh nhân ĐTĐ bị xơ vữa động mạch ở lứa tuổi sớm hơn so với người không bị ĐTĐ. 

Bệnh nhân ĐTĐ type 1 lúc mới chẩn đoán, chưa có các biến chứng mạn tính. Bệnh nhân ĐTĐ type 2 thường có các rối loạn chuyển hóa khác cùng với tăng glucose huyết như béo bụng, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu. Các tình trạng đều góp phần gây xơ vữa động mạch. Tuy nhiên bản thân bệnh ĐTĐ cũng là nguy cơ của xơ vữa động mạch. Phụ nữ bị ĐTĐ có nguy cơ bị bệnh mạch vành cao hơn nam giới.
Nguyên nhân tử vong hàng đầu ở bệnh nhân ĐTĐ là do bệnh tim mạch và đây cũng là nguyên nhân gây tốn kém nhiều nhất.
Xơ vữa động mạch có thể đưa đến các hậu quả:
– Ở mạch máu não gây đột quị do xuất huyết não, nhũn não. Đôi khi bệnh nhân có cơn
thoáng thiếu máu não.

– Ở tim gây bệnh cơ tim thiếu máu, cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim
– Ở mạch máu ngoại vi gây tắc mạch chi, hoại tử chi.


Ngoài ra xơ vữa động mạch cũng góp phần gây rối loạn cương, loét chân. Một số các biến chứng khác hiếm gặp hơn: phình động mạch chủ, tắc mạch mạc treo…
Nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân ĐTĐ có thể không đau, khi chụp hình mạch vành, tổn thương mạch vành của bệnh nhân ĐTĐ thường ở nhiều chỗ và nhiều nhánh.
Người ĐTĐ tăng nguy cơ bị đột quị (tai biến mạch máu não) từ 150-400%. Nguy cơ sa sút trí tuệ liên quan với đột quị, tái phát và tử vong do đột quị ở người ĐTĐ đều cao hơn người không ĐTĐ.
Bệnh mạch máu ngoại vi ở bệnh nhân ĐTĐ có thể gây hoại tử chi, nhất là khi bệnh nhân nghiện thuốc lá nặng. Hoại tử chi thường gặp ở các ngón chân. Ngón chân bệnh nhân thâm đen (thường gọi là hoại tử khô vì không có nhiễm trùng), nếu không điều trị kịp thời có thể mất ngón chân.
Làm sao phát hiện tình trạng xơ vữa động mạch và nguy cơ tim mạch?
Xơ vữa động mạch xảy ra âm thầm, thường chỉ có triệu chứng khi có tổn thương nặng ở các cơ quan. Khi khám bệnh, bác sĩ có thể phát hiện thấy các mạch máu của bệnh nhân cứng (thí dụ dấu giựt dây chuông ở khuỷu tay), hoặc tắc mạch ngoại vi (bắt mạch thấy mạch yếu hoặc mất mạch). Hiện nay siêu âm có thể phát hiện các mảng xơ vữa ở các động mạch. Soi đáy mắt cũng có thể thấy hình ảnh gián tiếp của các động mạch nhỏ bị xơ cứng. Thông thường các bác sĩ sẽ chỉ định làm điện tim để phát hiện các hậu quả của bệnh động mạch vành, nếu có dấu bất thường và cần tìm hiểu thêm sẽ đề nghị bệnh nhân làm nghiệm pháp gắng sức. Động mạch bình thường Xơ vữa động mạch nhẹ Xơ vữa động mạch nghiêm trọng

“Nghiên cứu tiến cứu về ĐTĐ tại Vương quốc Anh” đã xác định được nếu bệnh nhân đái tháo đường có các yếu tố nguy cơ sau đây thì dễ bị các biến cố tim mạch như cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim tử vong và không tử vong: đó là tăng LDL cholesterol (cholesterol xấu, có khuynh hướng làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch), giảm HDL cholesterol (cholesterol tốt, giúp giảm nguy cơ xơ vữa động mạch), tăng huyết áp nhất là huyết áp tâm thu, tăng glucose huyết, hút thuốc lá. Đây là các yếu tố có thể cải thiện được bằng thuốc hoặc thay đổi hành vi (ngưng hút thuốc).
Những dấu hiệu lâm sàng nào báo động có biến cố tim mạch?
Như đã nói ở trên, nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân ĐTĐ có thể không có triệu chứng đau điển hình, bệnh nhân cần đến khám bệnh khi có một số triệu chứng gợi ý: mệt, khó thở khi gắng sức (leo thang), chóng mặt, yếu một phần cơ thể, không cầm được các vật dụng hàng ngày (thí dụ đánh rơi bát, đũa khi ăn cơm) …Bệnh nhân bị giảm lượng máu đến chân có thể đau bắp chân khi đi bộ một quãng đường, ngồi nghỉ bớt đau, sau đó đi lại một quãng đường tương tự lại đau trở lại. Biến cố tim mạch gây tử vong cao, do đó khi cảm thấy có triệu chứng bất thường bệnh nhân nên đến khám ngay bác sĩ chuyên khoa.
Làm thế nào để phòng ngừa các biến cố tim mạch?
Duy trì nếp sống lành mạnh, ngưng hút thuốc, không uống rượu hoặc uống rượu điều độ, ngủ đủ giấc.


Ăn đúng giờ, đúng lượng thức ăn cần thiết theo chỉ dẫn, luyện tập thể lực thường xuyên. Dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, khám bệnh theo đúng lịch hẹn để đạt các mục tiêu điều trị đã đề cập trong bài “Tổng quan về biến chứng của bệnh đái tháo đường”.

 

TỔNG QUAN VỀ BIẾN CHỨNG CỦA BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

PGS, TS Nguyễn Thy Khuê

Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là một rối loạn chuyển hóa mạn tính có đặc điểm chính là glucose  huyết trong máu tăng cao. Glucose tăng cao trong máu lâu ngày sẽ làm tổn thương nhiều tổ chức, cơ quan trong cơ thể. Một trong những tổn thương quan trọng nhất xảy ra ở hệ thống
mạch máu, do đó biến chứng chính của bệnh ĐTĐ bao gồm biến chứng mạch máu lớn và biến
chứng mạch máu nhỏ. Tuy nhiên bệnh ĐTĐ cũng gây ra nhiều tổn thương ở các cơ quan khác
như da, răng miệng…
Biến chứng mạch máu nhỏ của bệnh ĐTĐ bao gồm:
 Biến chứng ở đáy mắt còn gọi là bệnh võng mạc ĐTĐ
 Biến chứng ở thận còn gọi là bệnh thận ĐTĐ
 Biến chứng thần kinh còn gọi là bệnh thần kinh ĐTĐ
Biến chứng mạch máu lớn của bệnh ĐTĐ có tổn thương chính là tình trạng xơ vữa động mạch với các hậu quả chính trên lâm sàng sau đây:
o Đột quị (do thiếu máu não, xuất huyết não), hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua.
o Bệnh cơ tim thiếu máu, nhồi máu cơ tim.
o Bệnh mạch máu ngoại vi.

Yếu tố nào gây ra biến chứng của đái tháo đường?
Tùy từng loại biến chứng cơ chế sinh bệnh có thể thay đổi, nhưng yếu tố luôn hiện diện là tình trạng tăng glucose huyết kéo dài. Tuy nhiên có một số bệnh nhân dù glucose huyết tăng cao lâu ngày, nhưng biến chứng rất ít. Một số bệnh nhân khác chỉ bị bệnh một thời gian ngắn nhưng lại nhiều biến chứng nặng. Do đó ngoài tăng glucose huyết có thể còn có thêm ảnh hưởng của di truyền, môi trường hoặc các bệnh đi kèm như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu…

Có cách nào để giảm bớt hoặc ngăn chặn biến chứng của bệnh ĐTĐ
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh giảm glucose huyết, giảm được biến chứng. “Nghiên cứu tiến cứu về bệnh ĐTĐ tại Vương Quốc Anh” theo dõi trong vòng 20 năm, khoảng 5000 bệnh nhân ĐTĐ type 2 mới chẩn đoán được chia làm 2 nhóm, một nhóm giảm glucose huyết tích cực và một nhóm chỉ điều trị sao cho bệnh nhân không có triệu chứng uống nhiều, tiểu nhều. Sau thời gian theo dõi trung bình 10 năm, nhóm giảm glucose huyết tích cực giảm các biến chứng liên quan đến ĐTĐ khoảng 25% so với nhóm điều trị không tích cực; nghiên cứu sau đó được kéo dài thêm 10 năm, trong thời gian này cả hai nhóm đều được điều trị tích cực như nhau nhưng biến chứng mạch máu nhỏ và cả biến chứng mạch máu lớn (nhồi máu cơ tim) vẫn ít hơn ở nhóm được điều trị tích cực ngay từ đầu.
Ở bệnh nhân ĐTĐ type 1 cũng có nghiên cứu cho kết quả tương tự: nghiên cứu mang tên “Kiểm soát ĐTĐ và các biến chứng [Diabetes Control and Complications Trial –viết tắt là DCCT]” được thực hiện ở 1441 bệnh nhân ĐTĐ type 1, sau thời gian theo dõi trung bình 6,5 năm, nhóm được điều trị giảm glucose huyết tích cực có biến chứng mạch máu nhỏ (ở thận, đáy mắt và thần kinh) ít hơn nhóm giảm glucose huyết kém tích cực. Sau đó các bệnh nhân được tiếp tục theo dõi thêm khoảng 17 năm, lúc này cả hai nhóm cũng đều được điều trị tích cực như nhau, nhưng ở nhóm điều trị tích cực ngay từ đầu các biến chứng mạch máu nhỏ và cả các biến cố tim mạch đều ít hơn nhóm điều trị không tích cực.
Kết quả của hai nghiên cứu này đưa đến kết luận quan trọng: ngay từ khi mới chẩn đoán bệnh ĐTĐ, nếu điều trị giảm glucose huyết thật tốt, sẽ giảm được cả biến chứng mạch máu nhỏ và mạch máu lớn.
Một nghiên cứu khác quan trọng ở bệnh nhân ĐTĐ type 2 đã có albumin niệu – nghiên cứu Steno (được thực hiện tại trung tâm ĐTĐ Steno ở Đan mạch)- cho thấy nếu điều trị tích cực và toàn diện tất cả yếu tố nguy cơ tim mạch của bệnh ĐTĐ như tăng glucose huyết, tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, ngưng hút thuốc cùng với ăn uống đúng và luyện tập thể lực, có thể giảm được biến chứng ở mắt, thận, thần kinh sau 8 năm; hơn thế nữa sau khi theo dõ thêm 13 năm, nhóm được điều trị tích cực ngay từ đầu giảm được 50% biến cố tim mạch và 50% tử vong.

Từ các kết quả nghiên cứu trên, mục tiêu điều trị của bệnh ĐTĐ đã được xác định.
– Mục tiêu glucose huyết HbA1c < 7%
– Huyết áp <140/80 mmHg hoặc <130mmHg
– LDL cholesterol < 100 mg/dL (2,6 mmo/L) khi bệnh nhân chưa bị biến cố tim mạch và <70 mg/dL (1,8mmol/L) ở bệnh nhân ĐTĐ đã bị biến cố tim mạch.
– HDL cholesterol > 40 mg/dL(1mmol/L) ở nam giới hoặc >50 mg/dL(1,25mmol/L) ở nữ giới
– Triglycerid < 150 mg/dL (1,68mmol/L)
– Ngưng hút thuốc lá
– Giảm cân nếu có thừa cân, béo phì.
Để đạt được các mục tiêu trên, bệnh nhân nên tuân thủ điều trị, theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ và cần lưu ý sử dụng thuốc luôn luôn phải đi cùng với ăn uống điều độ và luyện tập thể lực đều đặn. Chế độ luyện tập thay đổi tùy theo sức khỏe của bệnh nhân, đơn giản nhất là đi bộ ít nhất mỗi ngày nửa tiếng, nếu bệnh nhân đã lớn tuổi đau khớp có thể chia ra đi bộ nhiều lần trong ngày, thí dụ đi bộ 10-15 phút sau 3 bữa ăn sáng, trưa, chiều.


Chế độ ăn lành mạnh là chế độ ăn có nhiều chất xơ, giảm chất béo (nhất là chất béo bão hòa có trong mỡ động vật hoặc chất béo trans có trong các loại thức ăn chiên rán ngập dầu, margarine, bánh bích qui), giảm muối, lượng bột đường vừa đủ. (Xin tham khảo thêm bài “có thể phòng ngừa bệnh đái tháo đường bằng cách ăn uống hợp lý?”).
Cũng cần chú ý duy trì nếp sống điều độ như ăn đúng giờ, ngủ đủ giấc, tránh ngồi lâu chơi vi tính hoặc xem truyền hình.

 

Trao nhà tình thương

Các bạn thân mến!

Lại thêm một tin vui trong công tác xã hội từ thiện: Hưởng ứng Chương trình vì người nghèo do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh phát động, sáng ngày 24.02.2016, thay mặt Hội Y học TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi cùng các vị đại diện Ban vận động vì người nghèo TP. Hồ Chí Minh và đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh đến thực hiện lễ bàn giao căn nhà tình thương cho bà Nguyễn Thị Bích Phượng, cư ngụ tại nhà số 6D3/1 tổ 5, ấp 6, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh. Căn nhà có tổng giá trị là 60.000.000 đồng, trong đó Hội Y học TP. Hồ Chí Minh tài trợ 40.000.000 đồng. Số tiền này do Liên Chi hội Ung thư và Liên chi hội Tai Mũi Họng TP. Hồ Chí Minh đóng góp.

Chúng tôi hoan nghênh sự đóng góp đầy ý nghĩa cộng đồng của hai Liên Chi Hội.

Nhân đây chúng tôi kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong ngoài Hội Y học, đang sinh sống trong nước ngoài nước hãy hướng về Chương trình vì người nghèo mà đóng góp hiện vật và hiện kim cho chúng tôi, để tổ chức thực hiện hai (2) chỉ tiêu Chương trình vì người nghèo năm 2016 là:
1. Hai (2) căn nhà tình thương: 50.000.000 đồng/căn x 2 căn = 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng)
2. Một trăm (100) suất học bổng: 1.000.000 đồng/suất x 100 suất = 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng)

Mọi thông tin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ email: huynhliendoan@gmail.com.

Trân trọng cảm ơn các bạn.

BS. Huỳnh Liên Đoàn
Phó chủ tịch Hội Y học TP.HCM


Hội thảo “Vai trò của các hội y học trong đào tạo liên tục cho cán bộ y tế” 23.8.2015

Tổng hội Y học Việt Nam, Bộ Y tế phối hợp với Hội Y học TPHCM tổ chức hội thảo “Vai trò của các hội y học trong đào tạo liên tục cho cán bộ y tế” vào ngày chủ nhật 23 tháng 8 năm 2015 tại khách sạn Duxton số 63 Nguyễn Huệ quận 1 TPHCM.
Hội thảo do GS.TSKH. Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học VN chủ trì.
Nội dung chính gồm có:
Tổng quan về đào tạo liên tục cán bộ y tế. GS.TS. Trần Quốc Kham, Phó cục trưởng Cục khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ y tế.
+ Đào tạo liên tục và vai trò của hội y học. GS.TS. Phạm Thị Minh Đức, Phó chủ tịch Tổng hội Y học VN.
Giới thiệu khái quát về thông tư 22/BYT. TS. Phí Thị Nguyệt Thanh, chuyên viên Cục khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế.
Hội Y học TPHCM với công tác đào tạo liên tục. GS.TS. Nguyễn Sào Trung, Phó chủ tịch Hội Y học TPHCM.
Một số bài học kinh nghiệm từ Hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch Lâm sàng trong công tác đào tạo liên tục. PGS.TS. Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch Lâm sàng TPHCM.
Thực trạng nguồn nhân lực y tế Long An và nhu cầu đào tạo giai đoạn 2015 – 2020. TS. Võ Thị Dễ, Phó giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch Hội Y học Long An.
+ Thực trạng nguồn nhân lực y tế của tỉnh Khánh Hòa và nhu cầu đào tạo liên tục cho cán bộ y tế. ThS. Trần Ngọc Thành, Sở Y tế Khánh Hòa.Trong phần thảo luận, các đại biểu từ các hội chuyên khoa TPHCM và các hội y học các tỉnh đã đóng góp nhiều ý kiến về việc đào tạo liên tục cho Tổng hội Y học Việt Nam và cho Bộ Y tế.Văn phòng Hội Y học TPHCM
Ngày 24.8.2015

Hội thảo tập huấn cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế trực tuyến


Ô. Cao Hoài Trung, Ô. Nguyễn Minh Tuấn
Ngày 25 tháng 7 năm 2015, tại Trung tâm Hội nghị 272 Võ Thị Sáu q3 TPHCM, Vụ trang thiết bị – công trình y tế, Bộ Y tế phối hợp với Hội thiết bị y tế TPHCM tổ chức hội thảo tập huấn “Cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế trực tuyến đối với các đơn vị nhập khẩu trang thiết bị y tế khu vực phía Nam”.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ trang thiết bị – công trình y tế chủ trì hội thảo. Khoảng 300 đại diện các công ty thiết bị y tế tham dự hội thảo.

Sau phần báo cáo tập huấn hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4: “Cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế” là phần giải đáp thắc mắc cho doanh nghiệp của đại diện Vụ trang thiết bị – công trình y tế và công ty Viettel.

Văn phòng Hội Y học TPHCM
27.7.2015