Biến chứng mạch máu lớn của bệnh đái tháo đường

PGS, TS Nguyễn Thy Khuê
Biến chứng mạch máu lớn của bệnh ĐTĐ chính là tình trạng xơ vữa động mạch kèm với các hậu quả của nó.
Xơ vữa động mạch được cho là kết hợp tình trạng viêm và tổn thương ở lớp nội mạc mạch máu, các tiểu phân mỡ xấu LDL bị oxid hóa sẽ thấm nhập vào thành mạch máu, kích hoạt sự thâm nhập tế bào viêm và tăng sinh lớp cơ trơn ở thành mạch, tích tụ collagen, tạo nên mảng xơ vữa giàu lipid với phần trên là các sợi fibrin. Mối liên quan giữa bệnh ĐTĐ và xơ vữa động mạch chưa được hoàn toàn hiểu rõ. ĐTĐ làm gia tăng tính kết dính ở thành mạch máu, các tiểu cầu dễ tích tụ lại ở vùng mạch máu đã bị tổn thương, các sợi fibrin cũng tồn tại lâu hơn ở bệnh ĐTĐ, do đó người ĐTĐ có nguy cơ bị xơ vữa động mạch nhiều hơn người không bị ĐTĐ, và bệnh nhân ĐTĐ bị xơ vữa động mạch ở lứa tuổi sớm hơn so với người không bị ĐTĐ. 

Bệnh nhân ĐTĐ type 1 lúc mới chẩn đoán, chưa có các biến chứng mạn tính. Bệnh nhân ĐTĐ type 2 thường có các rối loạn chuyển hóa khác cùng với tăng glucose huyết như béo bụng, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu. Các tình trạng đều góp phần gây xơ vữa động mạch. Tuy nhiên bản thân bệnh ĐTĐ cũng là nguy cơ của xơ vữa động mạch. Phụ nữ bị ĐTĐ có nguy cơ bị bệnh mạch vành cao hơn nam giới.
Nguyên nhân tử vong hàng đầu ở bệnh nhân ĐTĐ là do bệnh tim mạch và đây cũng là nguyên nhân gây tốn kém nhiều nhất.
Xơ vữa động mạch có thể đưa đến các hậu quả:
– Ở mạch máu não gây đột quị do xuất huyết não, nhũn não. Đôi khi bệnh nhân có cơn
thoáng thiếu máu não.

– Ở tim gây bệnh cơ tim thiếu máu, cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim
– Ở mạch máu ngoại vi gây tắc mạch chi, hoại tử chi.


Ngoài ra xơ vữa động mạch cũng góp phần gây rối loạn cương, loét chân. Một số các biến chứng khác hiếm gặp hơn: phình động mạch chủ, tắc mạch mạc treo…
Nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân ĐTĐ có thể không đau, khi chụp hình mạch vành, tổn thương mạch vành của bệnh nhân ĐTĐ thường ở nhiều chỗ và nhiều nhánh.
Người ĐTĐ tăng nguy cơ bị đột quị (tai biến mạch máu não) từ 150-400%. Nguy cơ sa sút trí tuệ liên quan với đột quị, tái phát và tử vong do đột quị ở người ĐTĐ đều cao hơn người không ĐTĐ.
Bệnh mạch máu ngoại vi ở bệnh nhân ĐTĐ có thể gây hoại tử chi, nhất là khi bệnh nhân nghiện thuốc lá nặng. Hoại tử chi thường gặp ở các ngón chân. Ngón chân bệnh nhân thâm đen (thường gọi là hoại tử khô vì không có nhiễm trùng), nếu không điều trị kịp thời có thể mất ngón chân.
Làm sao phát hiện tình trạng xơ vữa động mạch và nguy cơ tim mạch?
Xơ vữa động mạch xảy ra âm thầm, thường chỉ có triệu chứng khi có tổn thương nặng ở các cơ quan. Khi khám bệnh, bác sĩ có thể phát hiện thấy các mạch máu của bệnh nhân cứng (thí dụ dấu giựt dây chuông ở khuỷu tay), hoặc tắc mạch ngoại vi (bắt mạch thấy mạch yếu hoặc mất mạch). Hiện nay siêu âm có thể phát hiện các mảng xơ vữa ở các động mạch. Soi đáy mắt cũng có thể thấy hình ảnh gián tiếp của các động mạch nhỏ bị xơ cứng. Thông thường các bác sĩ sẽ chỉ định làm điện tim để phát hiện các hậu quả của bệnh động mạch vành, nếu có dấu bất thường và cần tìm hiểu thêm sẽ đề nghị bệnh nhân làm nghiệm pháp gắng sức. Động mạch bình thường Xơ vữa động mạch nhẹ Xơ vữa động mạch nghiêm trọng

“Nghiên cứu tiến cứu về ĐTĐ tại Vương quốc Anh” đã xác định được nếu bệnh nhân đái tháo đường có các yếu tố nguy cơ sau đây thì dễ bị các biến cố tim mạch như cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim tử vong và không tử vong: đó là tăng LDL cholesterol (cholesterol xấu, có khuynh hướng làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch), giảm HDL cholesterol (cholesterol tốt, giúp giảm nguy cơ xơ vữa động mạch), tăng huyết áp nhất là huyết áp tâm thu, tăng glucose huyết, hút thuốc lá. Đây là các yếu tố có thể cải thiện được bằng thuốc hoặc thay đổi hành vi (ngưng hút thuốc).
Những dấu hiệu lâm sàng nào báo động có biến cố tim mạch?
Như đã nói ở trên, nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân ĐTĐ có thể không có triệu chứng đau điển hình, bệnh nhân cần đến khám bệnh khi có một số triệu chứng gợi ý: mệt, khó thở khi gắng sức (leo thang), chóng mặt, yếu một phần cơ thể, không cầm được các vật dụng hàng ngày (thí dụ đánh rơi bát, đũa khi ăn cơm) …Bệnh nhân bị giảm lượng máu đến chân có thể đau bắp chân khi đi bộ một quãng đường, ngồi nghỉ bớt đau, sau đó đi lại một quãng đường tương tự lại đau trở lại. Biến cố tim mạch gây tử vong cao, do đó khi cảm thấy có triệu chứng bất thường bệnh nhân nên đến khám ngay bác sĩ chuyên khoa.
Làm thế nào để phòng ngừa các biến cố tim mạch?
Duy trì nếp sống lành mạnh, ngưng hút thuốc, không uống rượu hoặc uống rượu điều độ, ngủ đủ giấc.


Ăn đúng giờ, đúng lượng thức ăn cần thiết theo chỉ dẫn, luyện tập thể lực thường xuyên. Dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, khám bệnh theo đúng lịch hẹn để đạt các mục tiêu điều trị đã đề cập trong bài “Tổng quan về biến chứng của bệnh đái tháo đường”.