Giới thiệu
Sự đề kháng kháng sinh của H. pylori là yếu tố chính anh hưởng đến hiệu quả của các phác đồ điều trị hiện dùng. Tỉ lệ lưu hành của vi khuẩn kháng thuốc thay đổi tùy theo từng vùng địa lý khác nhau, và tương quan với sự sử dụng kháng sinh trong dân số chung. Ví dụ sự tiêu thụ clarithromycin và tỉ lệ đề kháng kháng sinh này tăng tương tự nhau (gấp 4 lần) ở Nhật Bản trong khoảng thời gian từ 1993 đến 2000 (Perez Aldana Lvà cs, 2002). Trái lại, sự sử dụng macrolide thận trọng ở các nước Bắc Âu trong những thập niên qua kết hợp với một tỉ lệ H. pylori kháng clarithromycin thấp hơn so với các nước Nam Âu, nơi mà clarithromycin được sử dụng rộng rãi (Debets-Ossenkopp YJ và cs, 1999; Cabrita J và cs, 2000; Pilotto A và cs, 2000). Tài liệu hướng dẫn châu Âu hiện nay về điều trị H. pylori gợi ý rằng trị liệu đầu tay phải được điều chỉnh cho thích hợp với sự đề kháng clarithromycin và metronidazole. Thật vậy, một liệu pháp ba thuốc kéo dài 14 ngày được khuyên dùng ở những nơi mà tỉ lệ kháng clarithromycin >15-20%, ưu tiên kết hợp với amoxicillin nếu tỉ lệ kháng metronidazole tiên phát >40% (Malfertheiner P và cs, 2007). Trên cơ sở này, việc theo dõi tỉ lệ đề kháng kháng sinh tỏ ra có ý nghĩa đối với việc điều trị nhiễm H. pylori trong thực hành lâm sàng. Dưới đây là một tổng hợp dữ liệu về tình hình đề kháng của H. pylori với nhiều kháng sinh khác nhau ở những nước khác nhau.