Tóm tắt
Chăm sóc và điều trị đái tháo đường (ĐTĐ) cho người có tuổi phức tạp hơn người trẻ bởi nhiều bệnh lý kết hợp, bởi các thuốc hạ đường huyết hiện tại có mức độ lợi ích lẫn nguy cơ khác nhau và những chứng cứ về việc kiểm soát đường huyết tích cực mang lại lợi ích cho tim mạch chưa được khẳng định. Kiểm soát đường huyết chỉ là một phần trong điều trị đa yếu tố để kiểm soát tất cả nguy cơ tim mạch và bệnh mạch máu nhỏ. Mục đích của kiểm soát đường huyết là giảm thiểu biến chứng mạn tính và tránh sự cố hạ đường huyết nặng. Xác lập mục tiêu đường huyết cho từng người là điều quan trọng đầu tiên. Mục tiêu này không buộc HbA1c phải dưới 6,5% hay 7% mà phải xem xét những ưu tiên hàng đầu bao gồm thời gian sống của người bệnh, những bệnh đi kèm, tính an toàn cho người có tuổi, cân nhắc những nguy cơ hạ đường huyết và lợi ích trên biến chứng vi mạch.
Bên cạnh đề kháng insulin và giảm tiết insulin là những bất thường chính trong ĐTĐ týp 2, một vài cơ chế khác cũng góp phần tăng đường huyết. Do vậy hiện đã có thêm nhóm incretin và nhóm ức chế hấp thu đường ở thận (chờ phê duyệt) làm hạ đường huyết theo cơ chế sinh bệnh. Tiếp tục có thêm nhiều nghiên cứu mới trên nhóm incretin để khẳng định độ an toàn và lợi ích trên người cao tuổi. Insulin thế hệ mới (insulin analog) dù loại tác dụng dài hay pha trộn đều tiện dùng cho người cao tuổi vì ít gây hạ đường huyết, tác động hiệu quả suốt 24 giờ (đối với insulin analog tác dụng dài), kiểm soát đường sau ăn tốt và linh động theo bữa ăn dễ hơn insulin người.
Tác động của ĐTĐ lên chức năng nhận thức, nguy cơ trầm cảm, viêm khớp, tăng nguy cơ gãy xương hông và vai trò của vitamin D trong đề kháng insulin gần đây được lưu ý nhiều vì ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị ĐTĐ và chất lượng sống của người bệnh có tuổi.
*TS BS Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM