DAPAGLIFLOZIN – Dữ liệu trên người Việt Nam

Dapagliflozin – Thuốc hạ đường huyết mới, thuộc nhóm ức chế kênh vận chuyển Natri-glucose (SGLT2) ở ống thận, và kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân đái tháo đường Việt Nam.

Tóm tắt kết quả nghiên cứu DAPA 18 trên bệnh nhân Việt Nam: Hiệu quả giảm đường huyết và các yếu tố nguy cơ tim mạch của dapagliflozin trên bệnh nhân đái tháo đường típ 2 có nguy cơ tim mạch cao: nghiên cứu đa trung tâm, ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng giả dược trong 24 tuần và kéo dài thêm 28 tuần.

ThS.BS. Trần Thế Trung

Giảng viên Bộ môn Nội Tiết, ĐH Y Dược Tp.HCM

Giới thiệu: Dapagliflozin – thuốc hạ đường huyết mới thuộc nhóm ức chế SGLT2

Dapagliflozin – thuộc nhóm thuốc hạ đường huyết mới Ức chế SGLT2 – là thuốc đầu tiên trong nhóm này có mặt tại Việt Nam, đồng thời có nghiên cứu trên bệnh nhân đái tháo đường Việt Nam. Trước nhu cầu cần phải kiểm soát đường huyết tốt hơn nữa, một cách hiệu quả và an toàn, nhóm thuốc SGLT2 trong đó có dapagliflozin, đã được phát triển, trải qua các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và đã được phê duyệt chấp thuận sử dụng trên lâm sàng ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Dapagliflozin là chất ức chế có hoạt tính ức chế mạnh và chọn lọc cao trên chất vận chuyển Natri – glucose (SGLT2 – sodium glucose transporters), là chất vận chuyển chính phụ trách việc tái hấp thu glucose ở thận. Dapagliflozin làm giảm glucose huyết tương do ức chế tái hấp thu glucose ở ống thận và tăng cường sự bài tiết glucose theo nước tiểu, có thể làm hạ glucose trong huyết tương bất kể tình trạng nhạy cảm với insulin và chức năng tiết của tế bào beta của bệnh nhân. Do cơ chế tác động không phụ thuộc vào sự bài tiết và tác động của insulin, phương pháp điều trị này có nguy cơ hạ đường huyết rất thấp và có thể được dùng cho nhiều đối tượng bệnh nhân.

Ngoài ra, việc bài tiết glucose qua nước tiểu làm giảm cân nặng và đây có thể là một lợi ích cho nhiều bệnh nhân đái tháo đường típ 2. Hơn nữa, dapagliflozin có thể tác động như là một thuốc lợi tiểu do khả năng làm tăng thể tích nước tiểu ở mức độ trung bình, làm giảm nhẹ chỉ số huyết áp và tiềm năng có thể có lợi trên các biến cố tim mạch.

Dapagliflozin đã trải qua các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và được FDA chấp thuận sử dụng trong thực hành từ tháng 01-2014.

Nghiên cứu DAPA 18 và kết quả trên phân nhóm bệnh nhân Việt Nam

DAPA 18 là một thử nghiệm pha III, thực hiện đa trung tâm, có sự tham gia của các trung tâm tại Việt Nam với 24 bệnh nhân. Đây là nghiên cứu phân nhóm ngẫu nhiên, đối chứng giả dược, đánh giá hiệu quả của việc bổ sung Dapagliflozin 10 mg/ngày so với giả dược, phối hợp với nền điều trị khác, trên những bệnh nhân đái tháo đường típ 2, có đường huyết chưa được kiểm soát tốt, với mức HbA1c từ > 7% đến < 10%, và có tiền căn tăng huyết áp kèm bệnh lý tim mạch. Nghiên cứu kéo dài 24 tuần và mở rộng thêm 28 tuần. Kết cục chính là sự thay đổi HbA1c, tỉ lệ bệnh nhân đạt được bộ ba chỉ số* gồm (1) giảm HbA1c ≥ 0,5%, (2) cân nặng giảm ≥ 3% và (3) chỉ số huyết áp tâm thu giảm ≥ 3 mmHg so với ban đầu.

Toàn bộ DAPA 18 có 922 bệnh nhân tham gia. Sau 24 tuần, nhóm dùng dapagliflozin giảm HbA1c – 0.38% so với ban đầu (nhóm giả dược tăng 0,08%) và tỉ lệ đạt được bộ ba chỉ số* là 11,7% (so với 0,9% ở nhóm giả dược, khác biệt có ý nghĩa thống kê). Kết quả được duy trì đến tuần lễ 52 với các chỉ số tương tự.

Trên nhóm 24 bệnh nhân Việt Nam, 7 bệnh nhân được phân ngẫu nhiên vào nhóm giả dược và 17 bệnh nhân dùng dapagliflozin.

Mức giảm trung bình HbA1C sau giai đoạn điều trị 52 tuần so sánh với điểm mốc trước điều trị trong nhóm dapagliflozin là: – 0,39% tại tuần 24 và – 0,53% tại tuần 52. Trong nhóm giả dược, mức giảm trung bình này chỉ ở mức thấp tại tuần 24 (0,17%) và tại tuần 52 (- 0,15%). Tỉ lệ bệnh nhân đáp ứng với 3 mục tiêu lợi ích lâm sàng (được định nghĩa là [1] Mức giảm tuyệt đối  HbA1c là 0,5% so với ban đầu và, [2] Mức giảm tương đối trọng lượng toàn bộ cơ thể từ 3% trở lên và [3] Mức giảm tuyệt đối huyết áp tâm thu khi ngồi từ 3 mmHg trở lên tại tuần 24 và 52, so sánh giữa nhóm dapagliflozin và giả dược, trong cả hai giai đoạn ST + LT), sự khác biệt này là 17,6% tại cả tuần 24 và tuần 52. Thuốc dapagliflozin cũng làm giảm giá trị đường huyết lúc đói (FPG) so sánh với thời điểm ban đầu là – 8,2 mg/dL tại tuần điều trị 52, giảm huyết áp tư thế ngồi là – 9,4 mmHg tại tuần 24, và -12,5 mmHg tại tuần 52. Các biến cố bất lợi có liên quan đến thuốc nghiên cứu trên bệnh nhân Việt Nam ở mức thấp (17,6%) và được đánh giá ở mức độ nhẹ và trung bình. Phân tích yếu tố chủng tộc và ảnh hưởng của nó lên dược động học và dược lực học của thuốc cho thấy ảnh hưởng này lên an toàn, hiệu lực và dung nạp của thuốc dapagliflozin là không đáng kể.

Kết luận

Mặc dù số lượng bệnh nhân nghiên cứu tại Việt Nam không nhiều (n=24), kết quả nghiên cứu về hiệu lực của thuốc trên quần thể bệnh nhân Việt nam cho thấy có sự tương đương với kết quả nghiên cứu dựa trên dữ liệu toàn cầu. Nghiên cứu không ghi nhận biến cố bất lợi ngoài dữ liệu nào trong quần thể bệnh nhân Việt Nam. Điều trị bằng dapagliflozin trong 52 tuần, so sánh với giả dược, làm tăng khả năng kiểm soát đường huyết, an toàn và dung nạp tốt trên bệnh nhân Việt Nam. 

Dapagliflozin là một lựa chọn điều trị đái tháo đường típ 2 mới – một bệnh đang có tần suất hiện mắc ở mức cao và nhiều bệnh nhân không kiểm soát tốt đường huyết. Với các dữ liệu về an toàn, hiệu lực và dung nạp thuốc trên quần thể bệnh nhân người Việt Nam, không khác biệt so với dữ liệu của quần thể nghiên cứu trên toàn cầu, thử nghiệm này đã cho thấy bệnh nhân Việt Nam đáp ứng với thuốc không có sự khác biệt với quần thể nghiên cứu chung và thuốc dapagliflozin, với liều 10 mg, một lần một ngày, an toàn và hiệu quả trong điều trị đái tháo đường típ 2 trên bệnh nhân Việt Nam không kiểm soát được đường huyết đầy đủ với điều trị thông thường.

Tài liệu tham khảo

1. William T. Cefalu,1 Lawrence A. Leiter, Tjerk W.A. de Bruin, Ingrid Gause-Nilsson, Jennifer Sugg, Shamik J. Parikh. Dapaglif lozin’s Effects on Glycemia and Cardiovascular Risk Factors inHigh-Risk Patients With Type 2 Diabetes: A 24-Week, Multicenter, Randomized, Double-Blind, Placebo-Controlled Study With a 28-Week Extension. Diabetes Care 2015;38:1218–1227 | DOI: 10.2337/dc14-0315.
2. PGS.TS. Nguyễn Thy Khuê, PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Đào, TS. Hoàng Kim Ước, GS.TS. Nguyễn Lân Việt. Báo cáo kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng “Góp phần đánh giá hiệu quả và tính an toàn của Dapagliflozin so sánh với placebo ở những bệnh nhân người lớn bị đái tháo đường típ 2 có bệnh lý tim mạch và cao huyết áp không kiểm soát được đường huyết đầy đủ với điều trị thông thường.”Dữ liệu Việt Nam được BYT phê duyệt 26/8/2014.