Chỉ hai thập kỷ sau khi nhận diện được virút viêm gan C (HCV), sự hiểu biết nhiều hơn về vòng đời của virút đã dẫn đến sự ra đời một số nhóm thuốc điều trị nhiều hứa hẹn. Ngay từ năm 2015, tỉ lệ đáp ứng virút-học bền vững sẽ ở tầm 90% đối với phần lớn các kiểu gen HCV, và tỉ lệ “khỏi bệnh” hữu hiệu này sẽ đạt được thông qua những những phác đồ ngắn, dùng một loại viên duy nhất, liều cố định, tiện dụng, không chứa interferon, với diện mạo tác dụng phụ tốt hơn rõ rệt so với những điều trị trước kia. Việc sử dụng những thuốc này hy vọng làm giảm cường độ theo dõi, tỉ lệ nằm viện vì tác dụng phụ, sự lệ thuộc vào chăm sóc đặc biệt, và nhu cầu nguồn lực liên quan đến tiến triển bệnh, bao gồm ghép gan và điều trị bệnh gan giai đoạn cuối và ung thư gan. Tuy nhiên, với chi phí thuốc có thể vượt quá 90.000 USD mỗi liệu trình, vẫn còn phải xem những tiến bộ to lớn này sẽ mở rộng ra sao đến 150 triệu người nhiễm HCV sống ngoài thị trường đích của những thuốc này là các nước có thu nhập cao.
HCV gây ra 28% số trường hợp xơ gan và 26% số trường hợp ung thư gan trên toàn cầu, chiếm gần 500.000 trường hợp tử vong mỗi năm (Lozano R và cs, 2012). Các nước thu nhập trung bình và thu nhập thấp chiếm hơn 80% gánh nặng HCV toàn cầu, với tỉ lệ nhiễm nhiều nhất ở Nam Á, Đông Á, Bắc Phi, Trung Đông, và Đông Nam Á (Mohd Hanafiah K và cs, 2013). Các kiểu gen HCV 4, 5, và 6 đặc biệt hay gặp ở những vùng này, nhưng các phác đồ điều trị mới có thể đạt được đáp ứng trên bệnh nhân bị nhiễm các kiểu gen này tương tự như tỉ lệ đạt được trên bệnh nhân nhiễm kiểu gen 1 vốn chiếm ưu thế ở Hoa Kỳ và Châu Âu. Phần lớn bệnh nhân nhiễm HCV ở các nước thu nhập thấp và trung bình vẫn không được điều trị. Điều trị HCV trước đây đòi hỏi phải tiêm interferon hàng tuần, dùng phối hợp với ribavirin. Điều trị này có nhiều thách thức trong bối cảnh nguồn lực hạn hẹp, bao gồm chi phí interferon, các liệu trình kéo dài 6 đến 12 tháng, và các tác dụng phụ bao gồm hội chứng giống cúm, giảm các dòng huyết cầu, nhiễm khuẩn, trầm cảm, và mất bù gan. Năm 2011, thuốc kháng virút tác động trực tiếp (DAA) thế hệ thứ nhất— telaprevir và boceprevir — được phê chuẩn, và tỉ lệ đáp ứng virút-học bền vững, vốn từ 40 đến 50% với các phác đồ trước kia, tăng lên 65 đến 75%. Tuy vậy, hai thuốc này chưa được chấp nhận rộng rãi ở các nước thu nhập thấp và trung bình, vì chúng vẫn phụ thuộc vào một điều trị “xương sống” gồm interferon và ribavirin kéo dài và chỉ được chấp thuận để sử dụng chống HCV kiểu gen 1. Chúng cũng có những tác dụng phụ có ý nghĩa lâm sàng, một rào cản di truyền thấp đối với sự phát triển tính đề kháng của virút, các yêu cầu dùng thuốc đặc hữu, và nhiều tương tác thuốc—đặc biệt là khi dùng với các thuốc kháng retrovirus cần thiết trên bệnh nhân bị đồng nhiễm HIV…