Chỉ thị số: 45/CT-TW ngày 11.11.1998 của Bộ Chính trị BCH TW Đảng Cộng Sản Việt Nam về lãnh đạo các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam


Chỉ thị số 45/CT-TW, ngày 11/11/1998

của Bộ Chính Trị BCH TW Đảng Cộng Sản Việt Nam


Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW (1998) của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá VI), Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (gọi tắt là Liên hiệp Hội) đã tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học và kỹ thuật trong cả nước, thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ của mình, góp phần vào thắng lợi to lớn của đất nước trong những năm qua.


Liên hiệp Hội đã phát triển nhanh về tổ chức, bao gồm 40 hội ngành trung ương và 22 Liên hiệp hội địa phương. Liên hiệp Hội đã có những đóng góp tích cực vào đời sống chính trị, xã hội của đất nước: phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức trong việc tham gia chuẩn bị các văn kiện, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước; trong việc khuyến khích đưa nhanh các tiến bộ khoa học – công nghệ vào sản xuất, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, đặc biệt là trong việc tư vấn, phản biện, giám định xã hội về khoa học – công nghệ và kinh tế – xã hội. Uy tín của Liên hiệp Hội và các hội thành viên ngày một tăng.


Tuy nhiên, trong quá trình phát triển và hoạt động, Liên hiệp Hội và các hội thành viên cũng còn một số thiếu sót cần được khắc phục. Liên hiệp Hội và các hội thành viên còn chưa huy động được sức mạnh trí tuệ của đông đảo trí thức trong nước và trí thức người Việt ở nước ngoài vào công cuộc xây dựng đất nước. Một số hội thành viên còn lúng túng về nội dung, về phương thức hoạt động. Hệ thống tổ chức của Liên hiệp Hội còn có điểm bất hợp lý; điều lệ của một số đơn vị cấp dưới hội còn thiếu chặt chẽ. Nhà nước còn thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ tích cực cho hoạt động của Liên hiệp Hội và các hội thành viên.


Bước sang thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vị trí và vai trò của Liên hiệp Hội càng quan trọng. Liên hiệp Hội và các hội thành viên cần chú ý một số vấn đề sau đây:


1. Liên hiệp Hội là một tổ chức chính trị – xã hội của trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam, cùng với các đoàn thể chính trị – xã hội khác tạo thành lực lượng nòng cốt trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Liên hiệp Hội gồm các hội khoa học và kỹ thuật ngành và các liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật địa phương tự nguyện gia nhập Liên hiệp Hội.


Liên hiệp Hội hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, quyết định theo đa số. Hội đồng Trung ương và đoàn chủ tịch hoạt động trên cơ sở lãnh đạo tập thể, thiểu số phục tùng đa số. Các hội thành viên hoạt động theo Điều lệ của mình, tuân thủ Điều lệ của Liên hiệp Hội, chịu sự chỉ đạo và kiểm tra của Hội đồng Trung ương Liên hiệp Hội.


2. Đại hội lần thứ IV của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam sắp tới cần đánh giá đúng, sâu sắc những ưu điểm, nhược điểm, những thành công và chưa thành công trong công tác tổ chức và hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam và các hội thành viên, tìm ra nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó xác định đúng phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và cụ thể của Liên hiệp Hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đặc biệt Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam cần làm tốt chức năng tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong nước và trí thức người Việt ở nước ngoài; đẩy mạnh các hoạt động phổ biến kiến thức khoa học, công nghệ, thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 về giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ; tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong hoạt động khoa học, công nghệ nhằm góp phần thiết thực của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Cần tăng cường công tác chính trị tư tưởng, nâng cao lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tinh thần cộng đồng, tính trung thực trong khoa học và đạo đức nghề nghiệp trong giới trí thức.


3. Đảng đoàn Liên hiệp Hội chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị. Ban Khoa giáo Trung ương giúp Bộ Chính trị theo dõi và chỉ đạo hoạt động của Liên hiệp Hội. Ban Dân vận Trung ương và các ban khác của Đảng có trách nhiệm giúp đỡ hoạt động của Liên hiệp Hội.


Đảng đoàn Liên hiệp Hội chịu trách nhiệm lãnh đạo việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng trong phạm vi các hội khoa học và kỹ thuật.


Ở địa phương, Đảng đoàn liên hiệp hội trực thuộc tỉnh, thành uỷ. Thường vụ tỉnh, thành ủy có trách nhiệm lãnh đạo hoạt động của liên hiệp hội địa phương.


4. Liên hiệp Hội ở trung ương và địa phương được Nhà nước hỗ trợ kinh phí và tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để có thể đóng góp thiết thực vào việc đào tạo, nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, tư vấn, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, dịch vụ khoa học – công nghệ, nhằm phục vụ cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và tạo thêm nguồn kinh phí cho hoạt động của Liên hiệp Hội và các hội thành viên.


5. Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo việc thể chế hoá chỉ thị về mặt nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hoạt động và phát triển của Liên hiệp Hội và các hội thành viên.


Đảng đoàn Liên hiệp Hội cần lãnh đạo thực hiện tốt Chỉ thị này trong hệ thống các hội khoa học và kỹ thuật.


Ban Khoa giáo Trung ương giúp Bộ Chính trị hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này.



TM. Bộ Chính trị

( Đã ký)

     Phạm Thế Duyệt