tại Trung tâm Hội nghị 272 Võ Thị Sáu, ngày 14.10.2018
GS.TS. Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật TP.HCM
BS. Trương Thị Xuân Liễu, Chủ tịch Hội Y học TP.HCM
Chủ tọa khoa học: GS. Nguyễn Sào Trung, PGS. Lê Thị Tuyết Lan, PGS. Nguyễn Thị Ngọc Dung
Hồ Chí Minh là thành phố đông dân nhất Việt Nam có 13 triệu dân đang sinh sống và làm việc. Thành phố cũng là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước và trong số các thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất. Chính vì vậy TP.HCM phải đối diện với nhiều vần đề liên quan đến môi trường trong đó đáng quan tâm nhất hiện nay có lẽ là môi trường không khí. Hội thảo được Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật TP.HCM phối hợp với Hội Y học TP.HCM tổ chức nhằm cung cấp một tổng quan về hiện trạng môi trường không khí tại TP.HCM và các vấn đề sức khỏe có liên quan.
Hội thảo bao gồm những báo cáo về hiện trạng môi trường không khí tại TP.HCM của các chuyên gia về Tài nguyên Môi trường TP.HCM và một số báo cáo của các chuyên gia thuộc các hội chuyên khoa của Hội Y học TP.HCM về các bệnh có liên quan đến ô nhiễm không khí và tiếng ồn, cách phòng ngừa và điều trị.
Báo cáo của ThS. Nguyễn Cảnh Lộc, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường phân tích chất lượng không khí đo được tại 20 vị trí quan trắc với 3 nguồn ô nhiễm không khí chính từ các hoạt động giao thông, công nghiệp và sinh hoạt. Năm 2017, số liệu quan trắc tại 12 vị trí quan trắc giao thông cho thấy có 68,16% số liệu quan trắc đo tổng bụi lơ lửng vượt QCVN 05:2013/BTNMT (trung bình 1 giờ: 300 µg/m3) và 98,40% số liệu quan trắc về mức ồn vượt QCVN 26:2010/BTNMT (70 dBA). (tải về Hiện trạng chất lượng không khí tại TP. Hồ Chí Minh. ThS. Nguyễn Cảnh Lộc)
Báo cáo của ThS. Vũ Xuân Đán, Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe lao động và Môi trường, Sở Y tế TP.HCM cho biết bụi gây ra bệnh tật và tử vong là bụi mịn có đường kính khí động nhỏ hơn 2.5 µm (PM2.5) và nguồn phát sinh phơi nhiễm với bụi mịn này là từ bụi đất, bụi giao thông, bụi công nghiệp, bụi do hoạt động bên trong nhà và bụi từ đại dương. (tải về Đánh giá phơi nhiễm bụi cá nhân PM2.5 và nguồn phát sinh của người dân sống gần 2 trạm quan trắc môi trường ở TP. Hồ Chí Minh. ThS.KS. Vũ Xuân Đán)
Báo cáo của TS.BS. Huỳnh Tấn Tiến, Chủ tịch Hội Y tế dự phòng TP.HCM cho biết năm 2017, Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Lao động và Môi trường quan trắc môi trường lao động tại khoảng 1.200 đơn vị. Mức độ ô nhiễm không khí trong môi trường lao động thay đổi tùy thuộc nhiều vào loại ngành nghề như nhiệt độ (ngành nhựa), tiếng ồn (cơ khí, dệt, chế biến gỗ), bụi (chế biến gỗ, bao bì), hơi dung môi (chế biến gỗ, da giày), khí CO2 (dịch vụ y tế, văn phòng). (tải về Ô nhiễm không khí và sức khỏe người lao động. TS.BS. Huỳnh Tấn Tiến)
PGS. Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch Lâm sàng TP.HCM cho biết trẻ em nhạy cảm hơn với ô nhiễm không khí, vì ô nhiễm không khí liên quan đến về sự phát triển của phổi và tần suất hen suyễn cũng như đợt cấp của hen suyễn. Trẻ em cũng bị ho và viêm phế quản cấp nhiều hơn. Ở người lớn, ô nhiễm không khí làm tăng ho, tiết đàm, tần suất hen, COPD và suy giảm nhanh chức năng hô hấp. Ô nhiễm không khí cần đươc xem xét trong sự tương tác với hút thuốc, cơ địa dị ứng và các yếu tố khác của chủ thể. (tải về Ô nhiễm không khí và bệnh hô hấp. PGS.BS. Lê Thị Tuyết Lan)
PGS. Cung Thị Tuyết Anh của Hội Ung thư TP.HCM cho biết loại ung thư liên quan đến ô nhiễm không khí được biết đến nhiều nhất là ung thư phổi. Các nghiên cứu dịch tễ học mô tả và phân tích cho thấy tỷ lệ ung thư nhiều hơn ở các vùng có mật độ ô nhiễm không khí cao. Các nghiên cứu thực nghiệm gây đột biến gen tế bào hoặc gây ung thư trên động vật bởi từng loại hóa chất trong không khí ô nhiễm cũng gián tiếp chứng minh mối liên hệ nhân – quả này. (tải về Ô nhiễm không khí và bệnh ung thư. PGS.BS. Cung Thị Tuyết Anh)
Nghiên cứu của ThS.BS. Trần Bảo Ngọc, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đánh giá chất lượng không khí ở 5 loại nhà ở của người dân tại TP.HCM là căn hộ, nhà trọ, nhà kiểu nông thôn, nhà ổ chuột và nhà hình ống, và kết luận có sự khác biệt có ý nghĩa về chất lượng môi trường không khí giữa các loại nhà, điều này có liên quan đến tình trạng mắc bệnh hô hấp mạn tính của người cư ngụ. Nhà trọ và nhà nông thôn là loại nhà cần được chú ý để cải thiện nhất. (tải về Nồng độ nội độc tố bụi và tỉ lệ mắc bệnh hô hấp mãn tính ở các kiểu nhà điển hình. ThS.BS. Trần Bảo Ngọc)
PGS. Đặng Xuân Hùng, Chủ tịch Hội Thính học TP.HCM cho biết cường độ tiếng ồn tại TP.HCM từ 76 – 84 dBA. Trong khi đó cường độ tiếng ồn ≥ 85 dBA có thể gây nghe kém đáng kể. Ngoài ra tác hại của tiếng ồn còn bao gồm ù tai, choáng váng, chóng mặt… Báo cáo kết luận hạn chế tiếng ồn môi trường rất khó khăn, nhưng biện pháp phòng chống tiếng ồn cá nhân thì có thể thực hiện được một cách hiệu quả với chi phí vừa phải. (tải về Ô nhiễm tiếng ồn và bệnh tai mũi họng. PGS.BS. Đặng Xuân Hùng)
Cuối cùng PGS. Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM đề cập đến một vấn đề đang trăn trở của ngành y tế hiện nay là ô nhiễm môi trường tại các cơ sở y tế, đang là nguồn lây của nhiều loại nhiễm khuẩn bệnh viện kháng thuốc. (tải về Kiểm soát ô nhiễm môi trường trong cơ sở y tế. PGS.BS. Lê Thị Anh Thư)
Sau khi nghe các báo cáo từ các chuyên gia về môi trường và y học, các hội thảo viên góp ý trong phần thảo luận toàn thể nhằm tìm ra những giải pháp hiệu quả và khả thi để cải thiện môi trường không khí và bảo vệ sức khỏe cho những cá nhân và cộng đồng đang sinh sống tại TP.HCM, trước mắt và lâu dài.
Văn phòng Hội Y Học TP.HCM
17.10.2018
Sài Gòn Giải Phóng 16.10.2018
Tuổi Trẻ 15.10.2018