Hội Y Học TP.HCM – Hội nghị khoa học thường niên – Năm 2020

Hội nghị khoa học thường niên năm 2020 do Hội Y học TPHCM tổ chức diễn ra trong hai ngày 7 và 8/11 thu hút sự tham dự của hơn 1.500 bác sĩ  và chuyên viên y tế (gồm 500 người tham dự trực tiếp và 1.000 người theo dõi trực tuyến từ mọi miền đất nước).
Ngày đầu tiên với 6 bài báo cáo liên quan đến chủ đề chính “Cập nhật bệnh nhiễm SARS-CoV-2”.
Ngày thứ hai với “Ứng dụng y học thực chứng vào y học lâm sàng” gồm có 5 bài báo cáo đến từ các chuyên gia đầu ngành và giàu kinh nghiệm.

Sáng ngày 7/11/2020, Hội Y học TPHCM đã tổ chức chương trình hội nghị khoa học thường năm 2020 với chủ đề đặc biệt, thời sự “Cập nhật về bệnh nhiễm SARS-CoV-2”

Người tham dự tuân thủ quy tắc an toàn, đeo khẩu trang, đo thân nhiệt trước khi bắt đầu hội thảo

Phát biểu khai mạc hội nghị, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung – Chủ tịch Hội Y học TPHCM chia sẻ, COVID-19 thực sự khiến cả thế giới điêu đứng. Ngành Y tế TPHCM cũng như cả nước đã và đang đối mặt với những thách thức chưa từng có trong những thập niên gần đây. Hiện, dịch bệnh vẫn diễn tiến phức tạp, vì thế theo PGS Ngọc Dung hội nghị năm 2020, Hội Y học TPHCM đã tập trung vào những vấn đề liên quan đến COVID-19 với 6 bài báo cáo đến từ các chuyên gia đầu ngành.

PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng – Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM mở đầu hội nghị với chủ đề “Từ bệnh viện dã chiến đến bệnh viện an toàn trong phòng chống dịch COVID-19 tại TPHCM” mang đến nhiều thông tin thú vị ít ai biết trong quá trình xây dựng bệnh viện dã chiến tại TPHCM. Trong đó, có cả phòng mổ, hồi sức, đặc biệt là xây dựng 10 phòng cách ly áp lực âm được trang bị đầy đủ các thiết bị hồi sức bệnh nặng (máy thở, monitor…). Các thiết bị X-quang, siêu âm di động của Bệnh viện quận Thủ Đức cũng được điều động đến phục vụ người bệnh tại Bệnh viện dã chiến.

“Đặc biệt, để thu hẹp khoảng cách ngôn ngữ giữa bác sĩ và các bệnh nhân đến từ đa quốc gia, bệnh viện dã chiến còn trang bị thông tin liên lạc bằng máy phiên dịch, tiết kiệm nhân lực và chi phí. Đồng thời, để bảo vệ nhân viên y tế, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện, chỉ trong 20 ngày robot khử khuẩn cũng được ra mắt, kịp thời phục vụ trong cuộc chiến chống dịch COVID-19…” – PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng nói.

Những slide báo cáo sinh động của GVC.BS Huỳnh Khắc Cường – Chủ tịch Liên Chi hội Tai Mũi Họng mang đến cho hội nghị một “diện mạo” toàn diện của SARS-CoV-2. Ông ví loại virus này như những “zombie”, không chỉ tác động lên hệ hô hấp nó còn tấn công toàn bộ cơ thể, đặc biệt còn gây ra tình trạng đông máu.

Hội nghị diễn ra trong giai đoạn COVID-19 tạm lắng nhưng để đảm bảo an toàn, người tham dự đều tuân thủ quy tắc đeo khẩu trang trong suốt thời gian diễn ra chương trình, sát trùng tay khi ra vào.

Trong chủ đề “Diễn biến tự nhiên của nhiễm SARS-CoV-2 – Miễn dịch cá thể và miễn dịch cộng đồng” – TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm cho biết, miễn dịch cộng đồng là một khái niệm then chốt để kiếm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, ông cho rằng đối với COVID-19, với tỷ lệ tử vong ước tính từ 0,3 – 1,3%, cái giá phải trả để đạt được miễn dịch cộng đồng bằng quá trình lây nhiễm tự nhiên sẽ “cực kỳ đau thương”.

Vì vậy, theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, chúng ta không thể đặt niềm tin duy nhất vào miễn dịch đám đông để ngăn chặn đại dịch này. Chỉ đến khi nhân loại có vắc xin COVID-19 hiệu quả cho phép đạt được miễn dịch cộng đồng theo một cách an toàn nhất có thể thì xã hội vẫn cần tiếp tục nỗ lực kiểm soát sự lây lan của virus thông qua các biện pháp phòng chống lây nhiễm nơi công cộng và hành động của cả cộng đồng tập trung bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, hỗ trợ tăng cường sức khỏe cộng đồng, củng cố hệ thống y tế điều trị.

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc – Chủ tịch Liên chi hội Hô hấp TPHCM trong chủ đề “Tổn thương phổi do COVID-19 – Cơ chế bệnh sinh và điều trị” cho biết SARS-CoV-2 gây dịch bệnh COVID-19 xâm nhập vào phổi thông qua các men chuyển angiotensin 2 (ACE2) nằm trên bề mặt tế bào phổi. Sau khi xâm nhập vào trong tế bào người và giải phóng chuỗi ARN và nhân bản thành hàng trăm và hàng ngàn virus gây vỡ tế bào và virus tấn công tế bào lân cận gây ho, đau họng, mất vị giác, viêm phổi và suy hô hấp, suy đa tạng và tử vong.

Theo PGS Ngọc, hiện nay, cũng đã có những tín hiệu lạc quan liên quan đến COVID-19 như thuốc Remdesivir đã được nghiên cứu thử nghiệm tương đối thành công và cũng hy vọng sớm được đưa ra thị trường. Ngoài ra, dinh dưỡng trị liệu giúp tăng sức miễn dịch của bệnh nhân và điều trị tối ưu bệnh đi kèm. Vắc xin đang trong pha 3 là niềm hy vọng lớn trong dập tắt dịch hiện nay.

Đi sâu hơn về vấn đề “Rối loạn đông máu ở bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2” – PGS.TS.BS Huỳnh Nghĩa – Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền máu Huyết học TPHCM thông tin, bệnh COVID-19 có thể làm thay đổi quá trình đông máu ở những trường hợp mắc bệnh nặng dẫn đến việc hình thành các huyết khối, nhồi máu cơ tim hoặc thuyên tắc phổi. Theo PGS Nghĩa, cho đến nay, cơ chế của rối loạn đông máu vẫn chưa được làm sáng tỏ đầy đủ. Người ta suy đoán rằng các phản ứng miễn dịch bị rối loạn được điều chỉnh bởi các cytokine gây viêm, chết tế bào lympho, thiếu oxy và tổn thương nội mô có liên quan.

PGS.TS.BS Huỳnh Nghĩa là một trong những chuyên gia đã dốc sức cùng ngành Y tế Việt Nam đưa “bệnh nhân 91” về từ cửa tử, bởi nam phi công người Anh cũng trải qua tình trạng rối loạn đông máu nặng, kháng toàn bộ các loại thuốc rối loạn đông máu đang được dùng trong nước. PGS Huỳnh Nghĩa đã cùng các chuyên gia đầu ngành hội chẩn “bất kể ngày đêm” để đưa ra giải pháp kiểm soát tình trạng rối loạn đông máu nặng cho bệnh nhân.

PGS.TS.BS Lê Thị Anh Thư – Chủ tịch Liên chi hội Kiểm soát nhiễm khuẩn trong chủ đề “Tình hình ứng phó dịch COVID-19 và chiến lược kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện” đã giúp người tham dự có góc nhìn toàn diện hơn về đặc điểm dịch tễ học của dịch COVID-19, những lý do vì sao Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát dịch.

Đồng thời, PGS.TS.BS Lê Thị Anh Thư cũng đưa ra chiến lược kiểm soát lây nhiễm COVID-19 bao gồm kiểm soát hành chính, kiểm soát môi trường và phòng hộ cá nhân.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung – Chủ tịch Hội Y học TPHCM trao thư cảm ơn của Hội Y học TPHCM và chụp hình lưu niệm cùng các báo cáo viên.

Theo chia sẻ của PGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê – Chủ tịch Liên Chi Hội Đái tháo đường – Nội tiết TPHCM, hội nghị năm nay của Hội Y học TPHCM mang ý nghĩa thông qua y học thực chứng giúp các bác sĩ đánh giá thông tin đáng tin cậy trong thời điểm bùng nổ thông tin về COVID-19.

Trong bài báo cáo “Cập nhật chẩn đoán và điều trị thoái hóa khớp theo ACR”, TS.BS Cao Thanh Ngọc – Trưởng khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho hay, thoái hóa khớp là một chẩn đoán lâm sàng, trong đó có 3 triệu chứng đau khớp dai dẳng, cứng khớp buổi sáng ngắn, giới hạn hoạt động chức năng và 3 dấu hiệu khi thăm khám (lạo xạo khớp, giới hạn vận động và phì đại xương) giúp chẩn đoán 99% các trường hợp thoái hóa khớp.

Ngoài ra, BS Ngọc cung cấp thêm thông tin, theo ACR 2020, trong vấn đề dùng thuốc, các thuốc giảm đau kháng viêm nhóm không steroid vẫn được khuyến cáo hàng đầu, ngoài ra còn có glucocorticoid, paracetamol, duloxetine và tramadol. Các thuốc không được khuyến cáo trong điều trị thoái hóa khớp bao gồm glucosamine, chondroitine sulfate, colchicine, dầu cá, vitamin D, bisphosphonate và methotrexate. Bên cạnh đó, các điều trị như tiêm botulinum, huyết tương giàu tiểu cầu và tế bào gốc còn ít nghiên cứu và bằng chứng hạn chế nên cũng chưa được khuyến cáo trong điều trị.

PGS.TS.BS Phạm Thị Thu Thủy – Trung tâm Y khoa MEDIC, TPHCM với bài báo cáo “Xét nghiệm viêm gan siêu vi: chỉ định và biện luận kết quả” cho thấy hiện nay có nhiều xét nghiệm mới ra đời giúp kịp thời phát hiện virus gây viêm gan, từ đó giúp thầy thuốc đưa ra quyết định chính xác trong thưc hành lâm sàng hàng ngày.

Ngoài virus viêm gan A, D, PGS Thu Thủy đặc biệt nhấn mạnh đến virus viêm gan B, C nguy hiểm và gây nhiều biến chứng xơ gan, ung thư gan. Trong đó, nổi trội hơn cả là virus viêm gan B hiện có nhiều dấu ấn xét nghiệm đánh giá bệnh từ các xét nghiệm miễn dịch đến sinh học phân tử. Gần đây còn có nhiều dấu ấn ra đời mới như HBsAg định lượng, HBcrAg, HBVRNA giúp tiên lượng bệnh, dự đoán tái phát sau ngưng thuốc, tiên đoán ung thư gan…

Hội nghị còn có sự tham dự trực tuyến đặc biệt của GS Nguyễn Văn Tuấn – Viện nghiên cứu Y khoa Garvan (Úc) với chủ đề “Y học thực chứng và đại dịch COVID-19”. Qua đó vị giáo sư nhận định, đại dịch COVID-19 là đề tài của hàng vạn nghiên cứu trên thế giới. Nhưng bên cạnh một số rất ít nghiên cứu có phẩm chất tốt và tầm ảnh hưởng cao, đa số nghiên cứu không có đóng góp gì quan trọng, thậm chí gây nhiễu y văn. Để nhận định một bài nghiên có mức độ tin cậy đến đâu, giáo sư đưa ra thang đo để đánh giá, gồm nhiều tiêu chí: mô hình thiết kế, cỡ mẫu, outcome, mù đôi, phân tích, mức độ ảnh hưởng…

Bài báo cáo “Phương pháp đọc một bài báo y khoa với thiết kế thử nghiệm lâm sàng RCT” của ThS.BS Trần Thế Trung – bộ môn Nội tiết, Đại học Y dược TPHCM trình bày thu hut sự chú ý của người tham dự. Ông cho rằng, trong thời đại công nghệ hiện nay, số lượng bài báo nghiên cứu y khoa rất lớn, đòi hỏi các nhà lâm sàng phải biết cách tìm, chọn lọc, đọc, phân tích và nhận định bài báo trước khi áp dụng vào thực tiễn lâm sàng.

Trong đó, theo ThS Thế Trung, công thức PICO là một cấu trúc giúp quá trình đọc một báo báo nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng định hướng vào những nội dung quan trọng nhất. Cụ thể 4 thành phần chính là P-đối tượng nghiên cứu, I-biện pháp can thiệp, C-biện pháp so sánh đối chứng và O-kết cục nghiên cứu.

Bài báo cáo cuối cùng khép lại 2 ngày hội nghị được ThS.BS Võ Tuấn Khoa – khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhân dân 115 chia sẻ về vấn đề “Làm nghiên cứu khoa học trong thời kỳ dịch COVID-19”. Đây là một công việc chứng tỏ bản lĩnh của các bác sĩ điều trị trong thời kỳ dịch bệnh.

Qua đó, ThS Tuấn Khoa cũng chia sẻ những thuận lợi cũng như trở ngại trong việc thực hiện nghiên cứu trong đại dịch COVID-19. Thuận lợi lớn nhất là “dư giả” thời gian để nghiên cứu y văn với sự tập trung cao độ, đồng thời dễ dàng “huy động” nguồn lực để nghiên cứu. Song song đó, còn có những trở ngại như phần lớn chú tâm phòng chống dịch nên ít quan tâm đến nghiên cứu, tâm lý e ngại, sợ lây nhiễm khi gặp người bệnh. Ngoài ra, chủ đề cũng như cách thức làm trong tính huống khẩn cấp cũng là những khó khăn của nhà nghiên cứu.

PGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê – Chủ tịch Liên Chi Hội Đái tháo đường – Nội tiết TPHCM – một trong hai chủ tọa của hội nghị khoa học ngày thứ 2 đang cùng thảo luận với người tham dự

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan – Chủ tịch Liên chi hội Hen – Dị ứng miễn dịch lâm sàng TPHCM trao thư cảm ơn của Hội Y học TPHCM đến báo cáo viên tham gia hội nghị.

Biên tập: Công ty CP Truyền Thông Hạnh Phúc