CÓ THỂ HÔM NAY MỚI BIẾT?!

Chú Tư Trung thật là một con người đặc biệt. Vì tôi quá nhỏ nhoi nên cũng tự thấy thật mạo muội khi viết những dòng này vào đây…

Nhiều, rất rất nhiều người đã quen tên chú với những đóng góp vô cùng to lớn cho ngành y tế ngay những năm tháng chất chứa khó khăn sau giải phóng (đặc biệt ở phía Nam – thành phố Hồ Chí Minh). Tôi nhắc lại không thể đầy đủ mà cũng sẽ là thừa… vì những điều đó, hôm nay đã có lễ đặt tên đường đúng ngày sinh nhật lần thứ 90. Con đường không lớn – có lẽ khoảng 500 m nhưng thuận tiện, đủ rộng cho hai chiều giao thông xuôi ngược và đặc biệt có ý nghĩa ở chỗ trải dài ven theo hai bên đường là 3 địa chỉ quen thuộc của ngành y tế phía Nam tại TP.HCM: Bệnh viện Nhân Dân 115 – Viện Tim và Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch. Hình ảnh tên tuổi chú Tư Trung vẫn sẽ ở gần bên các học trò – đồng nghiệp – bệnh nhân cần chăm sóc! Thật không gì ý nghĩa bằng. Tôi có cảm giác như có một bàn tay mầu nhiệm đã sắp xếp  mọi việc! Tuy nhiên như tôi đã mở đầu… việc tôi muốn nói hôm nay là một khía cạnh tài năng của chú Tư mà chưa nhiều người biết… Đó là chú Tư có giọng ca cải lương có thể nói như một nghệ sĩ thực thụ. Trong giai đoạn ở bên Pháp trước khi về nước vào năm 1960, chú Tư luôn là một trong những hạt nhân các chương trình biểu diễn văn nghệ của Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp – tại Paris… Những năm đó (1956-60), tôi thường được ngồi xe hơi do mẹ lái ra vùng ngoại ô xem các cô chú luyện tập: hợp xướng – các điệu múa nón, múa sạp, múa quạt, múa lân.v.v… Điểm nhấn của các buổi trình diễn  văn nghệ thường là các màn cải lương vô cùng ấn tượng… Có cảm giác y những đoàn văn nghệ – cải lương chuyên nghiệp… Từ phông màn trang trí sân khấu tới từng trang phục, trang điểm của các diễn viên (ngày đi học đi làm – chiều tối luyện tập văn nghệ chuẩn bị cho đêm trình diễn vào dịp Tết âm lịch…). Tôi lúc đó cũng đã 5,6,7,8 tuổi cũng đã hiểu biết ít nhiều… Rồi lại được nghe chuyện người lớn – mẹ  kể lại nên tôi rất rất ấn tượng và ghi nhớ tới hôm nay… Chú Tư và chú Hà (bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà sau 1975 có giai đoạn giữ chức Phó Giám đốc Sở Y tế  TP.HCM trước khi qua công tác Trưởng Ban Việt kiều tại TP.HCM) đã luôn đóng những vai kép chính của các vở ca kịch cải lương: Lục Vân Tiên trong “Kiều Nguyệt Nga” – Ngọc Hoàng trong “Bạch Mẫu đơn”… Vì giai đoạn này hoà bình đã lập lại ở Việt Nam (sau 1954) nên nội dung cũng mang tính nghệ thuật dân tộc với những tích xưa, chuyện cổ chứ trong những năm trước 1954, các chương trình văn nghệ thường là dịp tỏ rõ lòng Việt kiều yêu nước, thể hiện rõ lập trường ủng hộ công cuộc kháng chiến chống đế quốc thực dân Pháp ở quê nhà… Mỗi đêm trình diễn văn nghệ như thế giữa lòng nước Pháp – tại Paris là một dịp biểu dương lực lượng của bà con Việt kiều theo kháng chiến, theo Cụ Hồ. Hạt nhân của những đêm trình diễn văn nghệ như vậy thường là lực lượng thanh niên học sinh sinh viên với sự hỗ trợ về mọi mặt tài chính công sức, chuẩn bị mọi mặt từ sân khấu sàn diễn, thuê mượn hội trường cho hàng trăm, thậm chí cả ngàn người… bảo vệ… (có lúc phải đối đầu với cảnh sát Pháp) của bà con đồng bào, các bác công nhân, các chủ tiệm cơm.v.v… Trong tất cả những hoạt động đó chú Tư đã là một trong những hạt nhân  vô cùng tài năng, vô cùng dũng cảm (cùng với sự tham gia chỉ đạo nghệ thuật của ông Trần Văn Khê, chú Hà và nhiều cô chú khác).

Chú Tư vẫn hoàn thành chương trình học hành y khoa một cách xuất sắc. Sau 2 năm tốt nghiệp ra làm việc chú đã bắt đầu nổi tiếng. Báo chí Pháp ca ngợi chú là một bác sĩ phẫu thuật trẻ tuổi Việt Nam đã mổ thành công cứu sống một cháu bé đã ngưng tim… (cách nay 60 năm). Vậy mà đêm đêm sau giờ học tập làm việc chú vẫn tự lái xe tới sàn tập dượt văn nghệ, xả thân trổ tài ca cải lương, nhập hồn vào các vai diễn một cách tuyệt vời… Cho mãi tới sau này các cô chú Việt kiều ở Pháp về tới Việt Nam trước 1975, sau 1975, đồng thời với chú vẫn gọi chú một cách thân thương theo một tên vai diễn của chú: “CẢ GHẺ”!

Tôi thật may mắn được là một trong những chứng nhân tài năng tuyệt vời này của chú. Nay xin kể lại…

Dĩ nhiên kể từ khi chú rời Paris về nước công tác ở Bệnh viện Chống Lao Trung ương rồi vượt Trường Sơn trở về quê hương… tới mãi về sau này có lẽ chú đã không còn dịp làm kép vào vai nào nữa… Nhưng chắc chắn tất cả mọi người quen biết chú đều nhận thấy chú Tư có tâm-tài vô cùng, và phần nào điều này được thể hiện hàng ngày qua một giọng cũng vô cùng vô cùng trầm ấm… Ai đã có dịp được quen biết chú không thể nào quên…

Trần Thanh Lan Phương