KHPTO – Trong 5 năm qua (2014 – 2018), Hội Y Học không ngừng phát triển, đã kết nạp thêm 8 hội chuyên khoa với 919 hội viên, đưa số hội chuyên khoa từ 60 hội với 23.565 hội viên lên 70 hội với 25.614 hội viên, chiếm 1/3 số lượng hội viên thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM. Hội đã thu hút tập hợp được đông đảo lực lượng trí thức y khoa, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân tại TP.HCM và khu vực phía Nam.
Nhờ có nhiều chính sách để thu hút và phát triển hội viên mới, nay hội có đến 70 hội chuyên khoa. Các hội luôn tìm những phương thức hoạt động phong phú và có hiệu quả. Các loại hình sinh hoạt của hội không chỉ giúp các hội viên trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao kiến thức; mà còn tạo sự gắn kết giữa các hội và hội viên, giữa các hội viên với nhau, thu hút và tạo ra sinh khí trong hoạt động khoa học của các hội chuyên khoa. Có một số hội tổ chức đến trên 20 lần/năm, như hội tim mạch, hô hấp, đái tháo đường – nội tiết, phụ sản…
Hội phát hành nhiều kênh truyền tải thông tin y học và phổ biến kiến thức y khoa như tạp chí Thời Sự Y Học (phát hành mỗi năm 7 số, tổng số 110.000 bản), trang web Hội – các nội dung khoa học được củng cố dần với những bài viết được đăng tải trên chuyên mục y học thường thức, y học chuyên sâu. Bên cạnh đó, Hội được Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM tài trợ, đã phát hành 1.000 bản của tập thơ Cây rau – vị thuốc (tác giả: BS. Huỳnh Liên Đoàn), trong tháng 10/2018.
Về công tác hợp tác trong nước và quốc tế, Hội hợp tác với Quỹ khoa học Takeda Nhật Bản để cấp học bổng tu nghiệp cho hội viên, mỗi năm 2 suất, bắt đầu từ năm 2007, đã cử 9 hội viên thuộc các hội chuyên khoa gây mê hồi sức, giải phẫu bệnh, tim mạch nhi, phẫu thuật tim mạch, nội tổng quát, răng hàm mặt. Phản hồi từ phía Takeda và phía học viên đều rất tốt, có học viên như BS. Trương Sáng Kiến và BS. Đoàn Nguyễn Minh Thiện tiếp tục chương trình học tiến sĩ.
Trong nước, Hội còn phối hợp với Tổng Hội Y Học Việt Nam tổ chức hội thảo về “Vai trò của Hội Y Học trong đào tạo liên tục cho cán bộ y tế” cho các hội y học các tỉnh phía Nam tại khách sạn Duxton (23/8/2015).
Công tác tư vấn, phản biện, Hội trao đổi với Sở Y Tế để tham vấn, cùng giải quyết một số vướng mắc trong chuyên môn và trong quản lý hành nghề, tham gia góp ý quy chế phối hợp giữa Sở Y Tế với các hội nghề nghiệp lĩnh vực y. Cử cán bộ chủ chốt tham gia với Viện Nghiên Cứu & Phát Triển Sức Khỏe Cộng Đồng nghiên cứu tình hình hành nghề y tế tư nhân tại TP.HCM; Ban điều phối Quỹ Toàn Cầu của Việt Nam về HIV/AIDS, lao, sốt rét; Hội đồng tư vấn xét cấp phép hành nghề y tư nhân; tham gia cùng đoàn đại biểu Quốc hội tại TP.HCM đóng góp cho các dự luật như: hiến xác – ghép tạng, khám chữa bệnh, phòng chống tác hại thuốc lá, Luật thủ đô; tham gia góp ý kiến với Tổng hội văn bản dự thảo hướng dẫn Luật khám chữa bệnh, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế…
Hội Y Học TP.HCM đã thu hút tập hợp được đông đảo lực lượng trí thức y khoa. Thế mạnh của Hội, đa số hội viên là các nhà khoa học và là cán bộ y tế có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, sẵn sàng cống hiến sức lực và trí tuệ cho sự phát triển thành phố và cả nước. Việc phát triển và mở rộng Hội Y Học với sự tăng trưởng của các hội chuyên khoa, thể hiện nhu cầu phát triển nội tại của các nhà khoa học, đồng thời phản ánh xu thế khách quan của sự phát triển khoa học – công nghệ trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế và nhu cầu của xã hội.
Các hội chuyên khoa và các nhà khoa học đã tham gia tích cực và có hiệu quả vào các hoạt động bồi dưỡng, đào tạo và phổ biến kiến thức khoa học, kỹ năng chuyên môn, có sự tham gia của các đồng nghiệp nước ngoài, đồng thời tham gia hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
Trương Thị Xuân Liễu, Chủ tịch Hội Y Học cho biết, nguyên nhân chủ yếu của những thành tựu trên là do Hội Y Học đã huy động được gần như toàn bộ lực lượng khoa học và kỹ thuật trong ngành y để tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội, cũng như trong chương trình nghiên cứu khoa học thảo của Tổng Hội, Liên Hiệp Hội và Sở Y Tế TP.HCM.
Tuy đạt nhiều thành tựu nhưng vẫn còn tồn tại như Hội chưa chủ động đề xuất các vấn đề quan trọng cần tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Một bộ phận không nhỏ cán bộ khoa học kỹ thuật chưa tham gia đầy đủ vào công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Công tác đối ngoại tuy có phát triển mạnh nhưng chưa huy động tất cả tiềm năng hiện có của Hội và các hội chuyên khoa. Công tác liên kết, phát triển và kết hợp giữa Hội với các hội chuyên khoa cũng như giữa các hội chuyên khoa với nhau còn một số mặt hạn chế.
Từ 2014 đến 2018, Hội Y Học TP.HCM đã tổ chức 237 buổi sinh hoạt, trong đó 46 buổi với hội cấp trên, 10 buổi với đơn vị bạn, 181 buổi nội bộ (8 buổi với ban chấp hành, 10 buổi ban thường vụ, 140 buổi của ban thường trực, và 23 buổi với các hội chuyên khoa). Hội đã bảo đảm được nề nếp sinh hoạt định kỳ (1 năm, 6 tháng và 2 tuần) với các buổi họp nhằm tiếp nhận thông tin triển khai công tác để đáp ứng việc điều hành và phối hợp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Hội Y Học và các hội chuyên khoa.
Có 806 trường hợp được tặng thưởng (215 tập thể và 591 cá nhân), trong đó có 1 huân chương độc lập hạng hai, truy tặng VS.TS. Dương Quang Trung, 1 huân chương lao động hạng ba cho Hội Y Học TP.HCM, 120 bằng khen các cấp (có 5 bằng khen của Thủ tướng), 15 kỷ niệm chương, 669 giấy khen.
HỒNG DUNG