TT – Đạo làm thầy thuốc là một nhân thuật, chuyên lo trị bệnh cứu người. Người xưa đã khuyên dạy rất nhiều về y đạo, y đức của người thầy thuốc. Vì sao gần đây lại xảy ra quá nhiều chuyện đau lòng cho người bệnh mà lỗi lầm lại do thầy thuốc gây ra?
Tuổi Trẻ đã trò chuyện cùng viện sĩ, TS.BS Dương Quang Trung (ảnh) – chủ tịch Hội Y học TP.HCM, người thầy của nhiều thế hệ thầy thuốc – để tìm lời giải đáp cho câu hỏi này.
Theo dõi tình hình sức khỏe của bệnh nhân ở khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy – Ảnh: N.C.T. |
Mở đầu buổi trò chuyện, ông Dương Quang Trung nói:}- Gần đây tôi có đọc những tin tức không vui trong ngành y đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nói về tinh thần, thái độ phục vụ, chăm sóc người bệnh của thầy thuốc ở một số địa phương chưa tận tình, chu đáo dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, gây ra tử vong cho bệnh nhân. Mới nhất là vụ tử vong của bệnh nhân Võ Như Hảo (17 tuổi, Bến Tre) mà báo Tuổi Trẻ đã đưa tin. Đọc những thông tin này, tôi rất buồn vì uy tín của ngành y bị hoen ố và rất đau lòng vì đã xảy ra những chuyện không hay như vậy.
“Nếu như sai sót của thầy thuốc do yếu kém chuyên môn, không phát hiện được bệnh còn có thể châm chước, nhưng sai sót về tinh thần phục vụ, thái độ giao tiếp, ứng xử thì hoàn toàn không thể chấp nhận được mà phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc” |
* Vì sao gần đây vấn đề y đức của thầy thuốc lại trở nên đáng báo động như vậy, thưa ông?
– Đây là vấn đề thuộc về nhận thức và ý thức hành nghề. Ngoài những sai sót do thái độ, tinh thần phục vụ, cách ứng xử giao tiếp của nhân viên y tế, cũng phải khách quan nhìn nhận hiện nay các thầy thuốc phải chịu rất nhiều áp lực.
Tuy nhiên, không thể viện lý do vì quá tải công việc, vì đời sống khó khăn mà thầy thuốc được quyền cho phép mình làm những việc trái lương tâm, y đức. Dù muốn dù không, khi đã để xảy ra tai biến, sai sót, thiếu quan tâm chăm sóc người bệnh kịp thời thì trách nhiệm đầu tiên vẫn thuộc về người thầy thuốc.
Trước đây, người bệnh rất kính trọng, thương mến và rất biết ơn người thầy thuốc. Còn thầy thuốc cũng hết lòng chăm sóc bệnh nhân vì lương tâm nghề nghiệp, vì tình thương người chứ không phải để ban ơn, bố thí. Thế nhưng những điều tốt đẹp ấy dần dần mất đi đã biến mối quan hệ trong sáng này trở thành mối quan hệ thiếu lành mạnh.
Đôi khi từ quan hệ nhân ái, thiện tâm trở thành một dịch vụ mua bán, thiếu hẳn tình người và có khi biến thành xung đột lợi ích giữa thầy thuốc và người bệnh. Chưa kể những tiêu cực của xã hội nói chung và những gương xấu trong ngành y đã tác động không tốt đến một bộ phận thầy thuốc trẻ khiến họ dần dần xa rời y đức, xói mòn lương tâm nghề nghiệp, chỉ biết lấy đồng tiền làm cứu cánh.
Phải thấy rằng nghề y không đơn thuần chỉ là nghề để kiếm sống, mưu sinh mà còn là nghề thực hiện sứ mệnh thiêng liêng: trị bệnh cứu người. Do đó xã hội luôn rất bức xúc khi thầy thuốc vi phạm y đức. Người sửa xe làm hư chiếc xe đạp cùng lắm là gây ra một tai nạn nhỏ. Còn thầy thuốc nếu sơ sẩy sẽ làm ảnh hưởng đến tính mạng của cả một con người. Sơ sẩy ấy rất khó và thậm chí không thể sửa chữa được.
* Người xưa răn dạy rất nhiều về y đạo, y đức, y nghiệp của người thầy thuốc. Còn hiện nay các sinh viên y khoa, các thầy thuốc có được học tập, rèn luyện về y đức không, thưa ông?
– Hải Thượng Lãn Ông có nói đạo thầy thuốc là một nhân thuật, chuyên lo trị bệnh cứu người, không nên cầu lợi kể công. Bác Hồ cũng đã từng dạy rằng lương y như từ mẫu. Hiện nay bộ môn dạy về y đức ở những trường đại học cũng đã cố gắng truyền đạt những quan niệm về y đức cho các sinh viên.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy nếu chỉ trông chờ vào việc giảng dạy y đức trên ghế nhà trường thì chưa đủ sức để chuyển biến nhận thức của sinh viên và những thầy thuốc trẻ thành những hành vi tích cực. Hơn nữa, có nhận thức đúng đắn mà không có luật pháp ràng buộc thì thông thường kết quả không như chúng ta mong muốn.
Đó là chưa kể nội dung, phương pháp giảng dạy và tư cách người thầy đứng trên bục giảng về y đức cũng là những vấn đề cần được xem xét củng cố thêm.
BỆNH VIỆN ĐA KHOA NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU (BẾN TRE):
Chấn chỉnh tình trạng quát nạt người dân Bác sĩ Hoàng Việt, giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre), cho biết sau sự cố bác sĩ Trương Thị Vúng và điều dưỡng khoa nội B có thái độ không tốt với người nhà bệnh nhân Võ Như Hảo (đã tử vong), ban giám đốc đã rút kinh nghiệm toàn bệnh viện, đồng thời yêu cầu phải chấn chỉnh tinh thần, thái độ phục vụ, nghiêm cấm việc quát nạt, to tiếng, thiếu tôn trọng bệnh nhân và thân nhân người bệnh. Trong hai ngày 15 và 16-10, phóng viên Tuổi Trẻ đã có mặt tại các khoa, phòng của Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu và ghi nhận được sự chuyển biến về tinh thần, thái độ phục vụ của các bác sĩ và nhân viên y tế. Các khoa nội B, tim mạch, chấn thương chỉnh hình… hai ngày qua không còn tình trạng điều dưỡng to tiếng với bệnh nhân. K.TUYẾN |
* Phải chăng khâu tuyển sinh, đào tạo thầy thuốc còn nặng điểm số, chưa coi trọng chọn người đến với nghề vì tình thương đồng loại, vì tâm nguyện cống hiến cứu người, mà đơn giản chọn là do nghề y được xã hội trọng vọng, có thu nhập khá?
– Đúng là trong thi tuyển hiện nay, để đảm bảo sự công bằng, người ta dựa vào điểm số là chính. Còn lý do thật sự vì sao các em chọn học ngành y thì chưa khảo sát. Ở nhiều nước trên thế giới, ngoài điểm số họ còn thực hiện phỏng vấn trực tiếp thí sinh. Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) vừa qua có tổ chức những buổi sinh hoạt chuyên đề, để các sinh viên trao đổi với nhau về việc vì sao chọn học ngành y. Qua đó, nhà trường nắm bắt thêm thông tin, giúp các em học tập, rèn luyện, tu dưỡng để trở thành người thầy thuốc vừa có tâm, vừa có đức và vừa có tài.
* Thưa ông, làm thế nào để nâng cao hơn nữa y đức của người thầy thuốc? Làm sao để người bệnh khi đến bệnh viện là thật sự được đến nhà thương, được gặp những thầy thuốc biết đau với nỗi đau của người bệnh?
– Ngành y là một ngành đặc biệt, có tính đặc thù vì đối tượng chăm sóc là con người. Tôi cho rằng để giải quyết vấn đề này phải giải quyết từ gốc. Muốn có y đức, đạo đức nghề nghiệp thì ngay từ khi các cháu còn nhỏ, gia đình, nhà trường và xã hội phải dạy cho các cháu hiểu biết đạo đức nghề nghiệp thế nào, lương tâm nghề nghiệp là gì, để các cháu có nhận thức về ngành nghề mà mình sẽ chọn sau này.
Y đức còn là vấn đề liên quan đến một chuỗi yếu tố khác nhau nên phải giải quyết bằng nhiều cách và từ gốc. Tức là dạy đạo đức làm người nói chung, rồi mới dạy lương tâm nghề nghiệp và phải dạy trước cả khi vào trường đại học.
* Thưa ông, từ năm 1996 Bộ Y tế đã ban hành quy định 12 điều về y đức. Thế nhưng vì sao trên thực tế vẫn còn không ít thầy thuốc chưa thấm nhuần và thực hiện được quy định này?
– Ở các nước trên thế giới, để đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân và thầy thuốc, người ta có xây dựng nghĩa vụ luật với hàng trăm điều quy định chi tiết, chặt chẽ trong hành nghề. Nghĩa vụ luật quy định những gì bác sĩ được và không được làm. Đồng thời họ còn có bộ phận theo dõi, quản lý, giám sát việc thực hiện nghĩa vụ luật mà một số nước gọi là y sĩ đoàn, bác sĩ đoàn hay hội đồng y khoa quốc gia, hội đồng quản lý hành nghề…để quản lý việc hành nghề của thầy thuốc.
Hội đồng quản lý hành nghề gồm những người có uy tín, đạo đức, thâm niên, hiểu biết để phân xử khách quan, công bằng.
* Ông có ý kiến thế nào về các quy định xử lý, chế tài thầy thuốc có sai phạm về y đức hiện nay?
– Nước ta đã có Luật khám chữa bệnh nhưng luật này còn chung chung, chưa đủ sức đảm bảo phòng ngừa được những sai sót về trách nhiệm, tai biến về chuyên môn xảy ra.
Ở một số bệnh viện, nhiều trường hợp vi phạm y đức mới dừng lại ở việc nhắc nhở, khiển trách, mất thi đua, cắt thưởng… của người thầy thuốc. Tôi cho rằng đây chỉ là các biện pháp tạm bợ. Không thể lấy các hình thức xử lý này, kể cả phạt tiền, bắt bỏ tù, để răn đe và buộc các bác sĩ phải tuân thủ y đức, mà điều quan trọng là làm sao cho thầy thuốc nhận thức được sứ mệnh thiêng liêng, vẻ vang của mình. Khi đã ý thức được điều đó thì họ sẽ tự giác làm tốt sứ mệnh của mình.
Dù thế nào cũng không nên dùng “luật rừng”
Vừa qua xảy ra nhiều vụ việc với những hành vi của thân nhân người bệnh làm xói mòn tình người, xói mòn tình cảm giữa bệnh nhân và thầy thuốc. Như vụ đập phá nhà bác sĩ ở Năm Căn, Cà Mau hay vụ sát hại bác sĩ ở Thái Bình, do người nhà nạn nhân bực tức xử lý theo kiểu giang hồ, vi phạm pháp luật. Chúng ta không bao che cho sai trái của thầy thuốc, nhất là những sai trái do thiếu tinh thần trách nhiệm, thái độ ứng xử thiếu tình người. Tuy nhiên, dù gia đình có mất mát to lớn thế nào cũng không nên sử dụng “luật rừng” để giải quyết bức xúc. Hãy để luật pháp làm nhiệm vụ của mình, không thể giải quyết theo kiểu thù hằn cá nhân. Nếu thầy thuốc có thiếu sót trong thái độ giao tiếp, hành xử công việc thì thân nhân nên trao đổi thẳng thắn với người có trách nhiệm tại bệnh viện. Và lãnh đạo bệnh viện cũng không nên bao che sai phạm mà cần chú ý lắng nghe, đối thoại trực tiếp và xử lý nghiêm minh thầy thuốc có sai phạm. |
LÊ THANH HÀ thực hiện
Nguồn từ Báo Tuổi trẻ online, ngày 17.10.2011