HỘI Y HỌC TP.HỒ CHÍ MINH CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Số: /2017/QĐ-HYH
TP. Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 01 năm 2017
QUYẾT ĐỊNH
Ban hành quy chế tổ chức hoạt động tạp chí Thời Sự Y Học
Hội Y học TP. Hồ Chí Minh
CHỦ TỊCH HỘI Y HỌC TP. HỒ CHÍ MINH
– Căn cứ luật báo chí ngày 28.12.1989 và luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Báo chí ngày 12.06.1999;
– Căn cứ nghị định số 51/2002/ NĐ-CP ngày 26.04.2002 của Chính Phủ qui định chi tiết về thi hành luật báo chí, luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật báo chí;
– Căn cứ luật xuất bản ngày 20.11.2012;
– Căn cứ giấy phép xuất bản số 45/GP-SD-BS-GPHĐBC ngày 26.10.2005 của Bộ Văn hóa Thông tin;
– Căn cứ Quyết định số 25/QĐ-UB ngày 01 tháng 02 năm 1979 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM về việc cho phép thành lập Hội Y học TP.HCM và Quyết định số 6005/QĐ- UBND ngày 09/12/2014 của Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân TP.HCM về phê duyệt điều lệ (sửa đổi, bổ sung) tổ chức hoạt động Hội Y học TP. HCM;
– Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Y học TP.HCM lần thứ VIII, về việc công nhận Ban chấp hành Hội Y học Khóa VII;
– Căn cứ nghị quyết họp Ban chấp hành khóa VIII lần thứ 6 ngày 10.01.2017;
– Xét đề nghị của Ban thường trực, Chánh Văn phòng và Tổng biên tập tạp chí Thời Sự Y Học thuộc Hội Y học TP.HCM,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này quy chế tổ chức và hoạt động của tạp chí Thời Sự Y Học thuộc Hội Y học TP. Hồ Chí Minh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Tổng biên tập tạp chí Thời Sự Y Học, Chánh Văn phòng Hội Y học, trưởng các ban chuyên môn thuộc Hội, chủ tịch các hội thành viên, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, cán bộ viên chức, hội viên Hội Y học TP.HCM chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
TM. BCH Hội Y Học TP.HCM
Chủ tịch
Nơi nhận:
– Như điều 3 QĐ (để thực hiện)
– Ban tuyên giáo Thành ủy (để báo cáo)
– Sở thông tin truyền thông (để báo cáo)
– Lưu
BS. Trương Thị Xuân Liễu
HỘI Y HỌC TP.HỒ CHÍ MINH CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
TP. Hồ Chí Minh, ngày tháng năm 2017
QUY CHẾ
Tổ chức và hoạt động tạp chí Thời Sự Y Học – Hội Y học TP. Hồ Chí Minh
(Ban hành kèm theo quyết định số /2017/QĐ-HYH ngày tháng năm 2017
của Hội Y học TP. Hồ Chí Minh)
CHƯƠNG I ; QUI ĐỊNH CHUNG :
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về tổ chức và hoạt động của tạp chí Thời Sự Y Học, thuộc Hội Y học TP. Hồ Chí Minh (sau đây gọi là tạp chí Thời Sự Y Học) bao gồm các quy định về tổ chức bộ máy, phản biện, tác giả, đăng bài, xét duyệt, lưu trữ, sử dụng bài báo, kinh phí hoạt động, khen thưởng và xử lý vi phạm trong hoạt động của tạp chí.
2. Quy chế này áp dụng đối với Ban biên tập, Hội đồng biên tập, Ban thư ký tòa soạn, các người phản biện, các cộng tác viên và các tác giả có bài báo gửi đăng trên tạp chí Thời Sự Y Học.
Điều 2. Mục đích, đối tượng phục vụ
1. Tạp chí Thời Sự Y Học góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, hội viên, những người làm công tác khoa học; góp phần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, học thuật đáp ứng mục tiêu đào tạo, nghiên cứu khoa học và dịch vụ xã hội của Hội Y học.
2. Đối tượng phục vụ là những người làm công tác khoa học, cán bộ, hội viên và bạn đọc có quan tâm.
Điều 3. Tên gọi, trụ sở, định kỳ xuất bản và phát hành
1. Tên gọi, trụ sở:
Tên tiếng Việt: tạp chí Thời Sự Y Học thành phố Hồ Chí Minh.
Tên tiếng Anh: Journal of Ho Chi Minh City Medical Association (JHMA)
2. Trụ sở tòa soạn: Hội Y học thành phố Hồ Chí Minh
Số 59B, Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Thành, quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 08.39309634
Email: thoisuyhoc@gmail.com
Website: www.hoiyhoctphcm.org.vn
3. Thể thức xuất bản:
Ngôn ngữ thể hiện: tiếng Việt
Kỳ hạn xuất bản: 1 năm/4 kỳ tiếng Việt
Khuôn khổ: 20cm x 27cm
Số trang: 50-100 trang
Số lượng: 500-1000 bản/kỳ
Nơi in: thành phố Hồ Chí Minh
4. Nộp lưu chiểu và phát hành
a. Nộp lưu chiểu tại Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Cục Báo chí – Bộ Thông tin và Truyền thông, Thư viện Quốc Gia Việt Nam.
b. Phạm vi phát hành trong cả nước.
c. Đăng tiêu đề, tóm tắt bài báo và toàn văn các bài báo (sau một tháng phát hành bản in) trên trang web của Hội Y học TP.HCM.
Điều 4. Nội dung xuất bản
1. Tạp chí Thời Sự Y Học đăng tải các bài báo khoa học, y học thực hành; công bố các công trình nghiên cứu khoa học; thông tin các kết quả nghiên cứu khoa học; trao đổi các nội dung mang tính học thuật, quan điểm khoa học, phương pháp tiếp cận các vấn đề khoa học mới; giới thiệu thông tin y học, các hoạt động khoa học trong nước và ngoài nước trong các lĩnh vực mang tính định kỳ theo kế hoạch được Chủ tịch Hội Y học phê duyệt.
2. Tạp chí Thời Sự Y Học đăng các giới thiệu, quảng cáo theo quy định, phù hợp với giấy phép xuất bản và theo sự phê duyệt của Tổng biên tập.
Điều 5. Nguyên tắc hoạt động
Tạp chí Thời Sự Y Học hoạt động theo quy định của luật báo chí, luật xuất bản, các quy định của Hội Y học TP.HCM và các quy định của tạp chí Thời Sự Y Học. Các thành viên của Ban biên tập, Hội đồng biên tập, Ban thư ký, các người phản biện, các cộng tác viên và các tác giả có bài báo gửi đăng trong tạp chí Thời Sự Y Học có trách nhiệm thực hiện các quy định trên theo sự phân công, giao nhiệm vụ của Tổng biên tập.
Chương II TỔ CHỨC BỘ MÁY
Điều 6. Cơ cấu tổ chức
Cơ cấu tổ chức của tạp chí Thời Sự Y Học, Hội Y học thành phố Hồ Chí Minh gồm:
1. Tổng biên tập;
2. Phó tổng biên tập;
3. Hội đồng biên tập;
4. Ban thư ký tòa soạn;
5. Cộng tác viên.
Điều 7. Tổng biên tập
1. Tổng biên tập chịu trách nhiệm thực hiện việc lãnh đạo, điều hành và quản lý tạp chí Thời Sự Y Học về mọi mặt, đảm bảo thực hiện tôn chỉ, mục đích của tạp chí; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội Y học và pháp luật về hoạt động của tạp chí Thời Sự Y Học.
2. Chịu trách nhiệm xuất bản các ấn phẩm của tạp chí Thời Sự Y Học theo quy định của luật báo chí, luật xuất bản và chỉ đạo của Chủ tịch Hội Y học.
3. Tổng biên tập là người duyệt cuối cùng các ấn phẩm tạp chí Thời Sự Y Học trước khi in và quyết định nộp lưu chiểu, phát hành.
4. Trình Chủ tịch Hội Y học phê duyệt kế hoạch xuất bản tạp chí Thời Sự Y Học theo định kỳ.
5. Là người ký kết, nghiệm thu các hợp đồng in ấn và phát hành tạp chí Thời Sự Y Học theo sự ủy quyền của Chủ tịch Hội Y học.
Điều 8. Phó tổng biên tập
1. Giúp Tổng biên tập lãnh đạo, điều hành và quản lý tạp chí Thời Sự Y Học; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội và Tổng biên tập về các hoạt động của tạp chí Thời Sự Y Học.
2. Giúp Tổng biên tập trong việc quản lý xuất bản tạp chí Thời Sự Y Học và xét duyệt các ấn phẩm tạp chí Thời Sự Y Học theo sự phân công của Tổng biên tập.
3. Giúp Tổng biên tập thực hiện kế hoạch xuất bản tạp chí Thời Sự Y Học theo kế hoạch và theo phê duyệt của Chủ tịch Hội Y học.
Điều 9. Hội đồng biên tập
Hội đồng biên tập có trách nhiệm biên tập về mặt chuyên môn, học thuật, nội dung cũng như hình thức xuất bản của tạp chí Thời Sự Y Học:
1. Đề xuất kế hoạch xuất bản, đề xuất nội dung và hình thức của tạp chí Thời Sự Y Học.
2. Đề xuất người phản biện; theo dõi quá trình sửa chữa của tác giả; biên tập các bài gửi đăng theo đúng tôn chỉ mục đích, thể lệ của tạp chí Thời Sự Y Học và chịu trách nhiệm về nội dung biên tập trước khi Tổng biên tập duyệt đăng.
3. Đề xuất phân loại và xếp hạng bài báo khoa học; xem xét và có ý kiến về nội dung và hình thức bài báo.
4. Biên tập, rà soát các lỗi về nội dung, hình thức trước khi Tổng biên tập duyệt xuất bản và phát hành.
Điều 10. Ban thư ký tòa soạn
Thực hiện công tác nghiệp vụ hành chính, tài vụ và trị sự của tòa soạn theo quy định của tạp chí Thời Sự Y Học và sự phân công của Tổng biên tập:
1. Thực hiện các chức năng về nghiệp vụ hành chính tổng hợp của tòa soạn.
2. Mời viết bài báo; tiếp nhận bài báo; yêu cầu phản biện; xét duyệt bài báo và phản hồi kết quả theo đúng quy trình xét duyệt đăng bài của tạp chí Thời Sự Y Học.
3. Rà soát các lỗi kỹ thuật dàn trang, lỗi trình bày, lỗi chính tả.
4. Trình duyệt ma-két (maquette), theo dõi quá trình in ấn tạp chí Thời Sự Y Học.
5. Lưu trữ tư liệu, bài báo và quản lý trang web của tạp chí Thời Sự Y Học.
6. Thanh toán thù lao cho tác giả, người phản biện, biên tập viên, cộng tác viên và các loại thù lao khác theo quy định.
7. Thực hiện việc phát hành, nộp lưu chiểu và gửi báo biếu theo quy định của tạp chí Thời Sự Y Học.
Điều 11. Cộng tác viên
Giúp Hội đồng biên tập và Ban thư ký tòa soạn thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định:
1. Hỗ trợ việc mời viết bài báo, đặt hàng viết bài báo, mời phản biện bài báo.
2. Hỗ trợ việc rà soát về mặt hình thức, kỹ thuật, các lỗi chính tả, in ấn.
3. Hỗ trợ việc tổ chức hội thảo, sự kiện của tạp chí Thời Sự Y Học.
4. Cộng tác viên do Tổng biên tập đề nghị, phân công và Chủ tịch Hội Y học phê duyệt.
5. Chế độ cộng tác viên theo quy định của Chủ tịch Hội Y học.
Chương III PHẢN BIỆN, TÁC GIẢ
Điều 12. Người phản biện
1. Người phản biện cho tạp chí Thời Sự Y Học là các nhà khoa học có uy tín ở hội chuyên khoa, trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm khoa học công nghệ, cơ quan quản lý, doanh nghiệp hoặc các nhà nghiên cứu độc lập trong và ngoài nước có chuyên môn phù hợp với bài báo khoa học được mời phản biện.
2. Danh sách người phản biện được Hội đồng biên tập đề xuất, các nhà khoa học giới thiệu và được Tổng biên tập ký duyệt.
3. Người phản biện được mời phản biện bài báo theo đường bưu điện, qua email, hoặc phản biện trực tiếp tại tòa soạn theo yêu cầu của tạp chí Thời Sự Y Học.
4. Người phản biện có nhiệm vụ nhận xét, thẩm định nội dung khoa học và hình thức của bài báo một cách khách quan, trung thực và hoàn thành công việc (theo mẫu) đúng thời hạn quy định.
5. Người phản biện được hưởng thù lao phản biện theo quy định của Chủ tịch hội Y học.
Điều 13. Tác giả bài báo
1. Tác giả bài báo là cá nhân hay tập thể các cá nhân đứng tên người viết bài báo gửi bài báo khoa học đến tòa soạn tạp chí Thời Sự Y Học theo đúng thể lệ gửi bài của tạp chí Thời Sự Y Học qua đường bưu điện, email hoặc trực tiếp tại tòa soạn.
2. Tác giả bài báo chịu trách nhiệm theo các quy định của pháp luật về nội dung, sử dụng tài liệu, dữ liệu, hình ảnh, bản quyền bài báo của mình.
3. Tác giả tuân thủ quy định về thể lệ đăng bài trên tạp chí Thời Sự Y Học; chỉnh sửa bài viết, làm rõ nội dung theo ý kiến người phản biện (nếu có) và theo yêu cầu của Ban biên tập.
4. Tác giả không gửi đến tòa soạn bài báo đã được đăng ở các tạp chí, kỷ yếu khoa học, các báo khác; không gửi bài báo đến tạp chí, báo khác cho đến khi có quyết định xét duyệt cuối cùng của Hội đồng biên tập tạp chí Thời Sự Y Học.
5. Tác giả có bài viết đăng trong tạp chí Thời Sự Y Học được trả thù lao theo quy định, được tạp chí Thời Sự Y Học gửi báo biếu.
6. Tác giả có bài báo nghiên cứu khoa học đăng trên tạp chí Thời Sự Y Học được công nhận là công bố công trình nghiên cứu khoa học trong việc bảo vệ luận án tiến sĩ.
Chương IV QUY ĐỊNH VỀ ĐĂNG BÀI, XÉT DUYỆT, LƯU TRỮ VÀ SỬ DỤNG BÀI BÁO
Điều 14. Điều kiện bài báo được đăng trên tạp chí Thời Sự Y Học
1. Các bài gửi đăng phải có nội dung khoa học theo đúng tôn chỉ, mục đích của tạp chí Thời Sự Y Học và chưa được công bố trên bất kỳ tạp chí nào hoặc các dạng xuất bản phẩm khác (ở điều 2).
2. Bài báo chưa được công bố trên các tạp chí và các ấn phẩm in hoặc điện tử khác.
3. Bài báo đã thông qua phản biện; đã chỉnh sửa theo ý kiến (nếu có) của người phản biện, của Ban biên tập và Ban thư ký.
4. Bài báo đã được biên tập và được Tổng biên tập duyệt cho đăng.
5. Trong trường hợp đặc biệt, Tổng biên tập sẽ quyết định cho phép đăng.
6. Đối với các bài báo không thông qua phản biện bao gồm: bài báo đặt hàng cho các nhà khoa học, các nhà quản lý, chuyên gia trong các lĩnh vực theo yêu cầu của Tổng biên tập; các bài báo mang tính trao đổi học thuật, giới thiệu thông tin khoa học, các hoạt động khoa học trong nước và ngoài nước. Các bài báo này được biên tập lại (nếu có) bởi các biên tập viên được phân công, được xác nhận lại của tác giả và được Tổng biên tập duyệt cho đăng.
Điều 15. Quy trình xét duyệt bài báo khoa học
1. Nhận bài viết từ tác giả:
Ban thư ký tòa soạn nhận bài viết từ tác giả và ghi vào sổ nhận bài; tập hợp, chuyển bài báo cho thường trực Ban biên tập.
2. Sơ duyệt:
Thường trực Ban biên tập sơ duyệt các yêu cầu về nội dung và hình thức của bài báo. Những bài viết không đúng quy cách của một bài báo khoa học hoặc có nội dung không phù hợp sẽ bị từ chối, thông báo đến tác giả thông qua Ban thư ký tòa soạn.
Những bài đủ điều kiện, được Thường trực Ban biên tập phân loại ghi mã số bài báo chuyển đến Tổng biên tập (theo mẫu).
3. Phân công và gửi phản biện:
Tổng biên tập phân công người phản biện (đối với các bài báo phải thông qua phản biện) trên cơ sở danh sách người phản biện do Hội đồng biên tập, các nhà khoa học giới thiệu;
Ban thư ký tòa soạn gửi bài báo đến người phản biện (theo mẫu).
4. Phản biện:
Người phản biện thực hiện việc nhận xét, thẩm định các nội dung của bài báo theo yêu cầu của tạp chí Thời Sự Y Học (theo mẫu) và theo đúng thời gian quy định.
Phiếu nhận xét phản biện phải ghi ngày tháng, ký tên và gửi cho Ban thư ký qua bưu điện, email hoặc trực tiếp tại tòa soạn.
5. Kết quả phản biện:
Ban thư ký tập hợp, trình Tổng biên tập về kết quả phản biện (theo mẫu).
Trên cơ sở ý kiến của Tổng biên tập, Ban thư ký:
+ Gửi bài báo cho tác giả chỉnh sửa theo ý kiến người phản biện.
+ Trường hợp ý kiến của người phản biện 1 không rõ ràng hoặc có ý kiến khác từ Thường trực Hội đồng biên tập thì bài báo được gửi cho người phản biện 2 nếu được tổng biên tập cho phép.
6. Biên tập bài báo:
Các bài báo không phải chỉnh sửa, các bài báo đã được tác giả chỉnh sửa theo ý kiến của người phản biện (đối với các bài báo phải thông qua phản biện); các bài báo không phải thông qua phản biện được quy định tại khoản 6, điều 14 của Quy chế hoạt động tạp chí Thời Sự Y Học đều được biên tập theo đúng yêu cầu của tạp chí Thời Sự Y Học.
Tổng biên tập phân công biên tập viên để biên tập các bài báo.
Ban thư ký chuyển bài báo đến từng biên tập viên theo sự phân công của Tổng biên tập.
Các biên tập viên thực hiện việc biên tập theo yêu cầu về nội dung và hình thức của bài báo.
7. Xét duyệt, xếp hạng và duyệt đăng bài báo:
Hội đồng biên tập (hoặc thường trực) rà soát, phân loại, xét duyệt các bài báo đã được biên tập trước khi trình Tổng biên tập duyệt đăng.
Hội đồng biên tập (hoặc Thường trực) đề xuất xếp hạng bài báo.
Trên cơ sở đề xuất của Hội đồng biên tập, Tổng biên tập duyệt đăng bài báo.
Các bài báo được Tổng biên tập duyệt đăng (theo mẫu) sẽ được Ban thư ký gửi cho tác giả hiệu đính trước khi gửi in ấn.
8. Biên tập, rà soát bản thảo, duyệt in:
Biên tập viên được phân công biên tập bản thảo tạp chí Thời Sự Y Học (bao gồm các bài báo, thiết kế bìa, hình ảnh, quảng cáo, thông tin đã được duyệt).
Ban thư ký rà soát lỗi trước khi gửi bản thảo tạp chí Thời Sự Y Học đến cơ sở in ấn.
Sau khi cơ sở in ấn hoàn thành chế bản, Ban thư ký đọc, rà soát chế bản trước khi trình Tổng biên tập duyệt cho in (theo mẫu).
9. In ấn, nộp lưu chiểu, phát hành, đưa tạp chí Thời Sự Y Học lên trang web:
Cơ sở in ấn thực hiện việc in ấn đúng bản thảo và số lượng in ấn theo hợp đồng.
Ban thư ký tiến hành nộp lưu chiểu theo quy định.
Ban thư ký phát hành tạp chí đến đúng địa chỉ và số lượng đã được Tổng biên tập phê duyệt.
Ban thư ký thực hiện chế độ lưu trữ.
Ban thư ký đưa tạp chí Thời Sự Y Học lên trang web của Hội Y học theo quy định. Thời gian tối đa là 2 tháng.
Điều 16. Lưu trữ và sử dụng
1. Tạp chí Thời Sự Y Học thực hiện chế độ lưu trữ dưới 2 hình thức: dạng bản in và dạng bản điện tử. Số lượng bản in được lưu trữ là 10 bản/1 số tạp chí Thời Sự Y Học, bản điện tử được lưu dưới dạng word và pdf.
2. Tạp chí Thời Sự Y Học được lưu kho, bảo quản và bảo đảm an toàn theo chế độ lưu trữ và bảo quản theo qui chế văn thư lưu trữ của Hội Y học TP. Hồ Chí Minh.
3. Thời gian lưu trữ tạp chí dạng bản in và dạng bản điện tử là vĩnh viễn. Thời gian lưu trữ các tài liệu, hồ sơ của tạp chí theo quy chế văn thư lưu trữ của Hội Y học.
4. Các số của tạp chí Thời Sự Y Học (dạng bản in) đều gửi tại Thư viện Hội. Các cá nhân trong và ngoài Hội được phép sử dụng tại chỗ và mượn tạp chí Thời Sự Y Học theo các quy định của Hội Y học.
5. Toàn văn bài báo trên các số tạp chí Thời Sự Y Học được đăng tải trên trang web của Hội Y học sau một tháng kể từ ngày phát hành bản in. Việc sử dụng các bài báo phải tuân thủ luật sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Chương V: KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG
Điều 17. Nguồn kinh phí hoạt động
1. Kinh phí thu được từ nguồn phát hành tạp chí Thời Sự Y Học.
2. Tiền quảng cáo, hỗ trợ của các đơn vị trong và ngoài nước.
3. Các nguồn thu hợp pháp khác.
Điều 18. Các khoản chi của tạp chí Thời Sự Y Học
1. Thù lao nhuận bút, phản biện, biên tập, thù lao chuyên môn khác.
2. Chi cho công tác in ấn, phát hành, hoạt động chuyên môn của tạp chí Thời Sự Y Học.
3. Chi cho công tác hành chính.
4. Chi phí khác.
Chương VI: KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 19. Khen thưởng
1. Các tác giả, người phản biện, biên tập viên, các cộng tác viên, Ban thư ký, cán bộ, nhân viên của tạp chí Thời Sự Y Học có nhiều đóng góp cho sự phát triển của tạp chí Thời Sự Y Học sẽ được tạp chí Thời Sự Y Học đề nghị khen thưởng theo quy chế khen thưởng của Hội Y học.
2. Các tác giả có nhiều bài viết được bạn đọc quan tâm, cộng tác viên tích cực đóng góp sẽ được biếu tặng tạp chí Thời Sự Y Học thường xuyên.
Điều 20. Xử lý vi phạm
1. Đối với các tác giả có vi phạm bản quyền, tác giả gửi bài đã đăng ở tạp chí khác đến tạp chí Thời Sự Y Học, tạp chí Thời Sự Y Học sẽ không nhận đăng bài của các tác giả đó trong thời gian 1 năm. Đồng thời, tác giả vi phạm sẽ chịu trách nhiệm theo quy định của luật sở hữu trí tuệ, luật báo chí, luật xuất bản.
2. Lãnh đạo tạp chí Thời Sự Y Học, Tòa soạn, Hội đồng biên tập, Ban thư ký, các cá nhân thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chế này nếu vi phạm luật báo chí, đạo đức nghề nghiệp sẽ bị xử lý theo luật báo chí và các quy định của Hội Y học TP.HCM.
Chương VII ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 21. Điều khoản thi hành
1. Quy chế sẽ điều chỉnh tùy theo tình hình thực tế, theo sự điều chỉnh của luật báo chí, luật xuất bản, luật sở hữu trí tuệ và quy định của Hội Y học TP.HCM.
2. Quy chế này gồm bảy chương, hai mươi mốt điều, có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành. Những quy định trước đây trái với quy chế này đều không còn hiệu lực./.
Quy chế này được thảo luận biểu quyết thông qua với tỷ lệ tán thành 100% tại Hội nghị Ban chấp hành hội y học khóa VIII lần thứ 6 ngày 11 tháng 1 năm 2017 ./.