HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ QUAN ĐIỂM MỚI VỀ BỆNH TIM THIẾU MÁU CỤC BỘ

Hội Tim mạch học Tp.HCM cùng Viện nghiên cứu dược phẩm Servier Việt Nam đã phối hợp tổ chức buổi Hội thảo chuyên đề “Quan điểm mới về Bệnh tim thiếu máu cục bộ” tại Tp.HCM vào ngày 21 tháng 07 năm 2013.


Tham dự hội thảo khoa học gồm có: GS.TS.BS. Đặng Vạn Phước (Chủ tịch Hội Tim mạch học Tp.HCM), TS. BS. Hồ Huỳnh Quang Trí (Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Viện Tim Tp.HCM), cùng hơn 300 bác sĩ, dược sĩ tại các bệnh viện ở Tp.HCM và một số tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
 
Bài báo cáo của GS.TS.BS. Đặng Vạn Phước với chủ đề “Quan điểm mới về Bệnh tim thiếu máu cục bộ”.Theo GS. Đặng Vạn Phước, từ trước đến nay, chúng ta vẫn xem bệnh tim thiếu máu cục bộ và bệnh mạch vành là một, và vì vậy, hẹp/tắc động mạch vành do xơ vữa là nguyên nhân trung tâm của bệnh lý này.  Ngày nay nhiều bằng chứng mới cho thấy bệnh sinh thiếu máu cục bộ còn do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm xơ vữa mạch máu, hiện tượng viêm, rối loạn chức năng vi mạch, rối loạn vận mạch, rối loạn chức năng nội mạc, và khi đó tắc nghẽn mạch vành do mảng xơ vữa chỉ là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ cơ tim. Vì vậy quan điểm mới về bệnh tim thiếu máu cục bộ: ”Tập trung vào tình trạng thiếu máu cơ tim chứ không đơn thuần các mảng xơ vữa của động mạch vành” chính là cuộc cách Copernicus của ngành tim mạch.


Bài trình bày TS.BS. Hồ Huỳnh Quang Trí đã chỉ rõ rằng thay đổi quan điểm về bệnh sinh của bệnh tim thiếu máu cục bộ đã ảnh hưởng quan trọng đến tiếp cận điều trị. Hướng dẫn 2012 của Hoa Kỳ về điều trị bệnh tim thiếu máu cục bộ ổn định, ngoài việc đưa ra những chỉ định tái tưới máu cụ thể còn đề cập đến điều trị nội khoa toàn diện. Đặc biệt, việc tác động lên chuyển hóa tế bào cơ tim nhằm giảm thiểu hậu quả của thiếu máu cục bộ được chú trọng hơn. Các dữ liệu lâm sàng hiện có cho thấy thuốc tác động lên chuyển hóa tế bào cơ tim trimetazidine không những có hiệu quả chống đau thắt ngực/thiếu máu cục bộ tim mà còn giúp cải thiện tiên lượng dài hạn của bệnh nhân đau thắt ngực ổn định.


Trong phần thảo luận, khá nhiều bác sĩ/dược sĩ thắc mắc về tác dụng phụ khi sử dụng Vastarel MR (trimetazidine MR 35mg). GS. Đặng Vạn Phước và TS. Hồ Huỳnh Quang Trí đã chia sẻ các thông tin cần thiết cho các bác sĩ/dược sĩ về Trimetazidine:

– Trimetazidine đã được Hướng dẫn 2006 của ESC về điều trị đau thắt ngực ổn định công nhận như là một liệu pháp bổ sung trong điều trị bệnh nhân đau thắt ngực ổn định (thêm vào với các thuốc qui ước nếu các thuốc này chưa đủ hiệu quả hoặc thay thế cho các thuốc qui ước nếu các thuốc này không dung nạp được).

– Trimetazidine được ghi nhận có thể gây biểu hiện giống Parkinson nhưng với tần suất rất thấp (0,36/100.000 bệnh nhân-năm), do đó nếu cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ thì lợi ích trội hơn nhiều. Cơ quan quản lý Dược Châu Âu (EMA) vẫn cho phép sử dụng thuốc này cho bệnh nhân đau thắt ngực. Trong tình huống xuất hiện tác dụng phụ này, các bác sĩ chỉ cần ngưng sử dụng thuốc, các triệu chứng sẽ biến mất.

– Tóm lại, nếu dùng đúng chỉ định (không dùng cho bệnh nhân tai mũi họng hay bệnh nhân mắt như trước kia) thì Trimetazidine mang lại lợi ích rõ rệt cho bệnh nhân đau thắt ngực ổn định.